12:45 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Bài viết của Lê Hữu Thăng

NƯỚC MỸ XA GẦN THOÁNG GẶP

Thứ ba - 10/01/2012 16:06
Bởi chưa có đại sứ quán, lãnh sự hay ít ra một văn phòng liên lạc của Mỹ tại Việt Nam nên đoàn doanh nhân tham gia triển lãm Viet Expo 94 – San Francisco phải từ Hà Nội bay sang Bangkok đợi mấy hôm mới lấy được visa vào nước Mỹ. Từ Bangkok đến Đài Bắc (Đài Loan) mới có chuyến bay thẳng đến San Francisco. Mười ba giờ đồng hồ cho một hành trình bay là một khoảng cách khá xa từ Đông bán cầu đến Tây bán cầu, tuy nhiên, như ông Frank Jordan - Thị trưởng San Francsico phát biểu trong buổi gặp gỡ với các doanh nhân Việt Nam, có một khoảng cách còn xa hơn - đấy là dằng dặc 20 năm cả hai nước đều thiếu thông tin về nhau. Hai mươi năm sau chiến tranh - rất nhiều thành viên trong đoàn đã một thời cầm súng đánh Mỹ bảo vệ Tổ quốc, giờ đây khép lại quá khứ, mở ra một tương lai tốt đẹp hơn cho quan hệ hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, họ lại đến nước Mỹ. Cuộc triển lãm lần này chỉ là chiếc cầu nối đầu tiên của sự chuẩn bị cho một thị trường mới. Và cũng bởi là lần đầu nên có nhiều chuyện để nói.
Tác giả trước trụ sở Quốc hội Mỹ, tháng 10-1994

Tác giả trước trụ sở Quốc hội Mỹ, tháng 10-1994

Trước khi sang Mỹ, anh em trong đoàn đã được chuẩn bị tinh thần để đối phó với những khó khăn sẽ gặp phải. Chưa ai quên câu chuyện ca sĩ Thanh Lan sang biểu diễn ở Mỹ, trước sức ép của một số phần tử quá khích, bị chúng dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, đe doạ, gây áp lực… Thanh Lan phải chấp nhận “tị nạn chính trị” để rồi giờ đây sống ảm đạm trong nghề ca hát nơi đất khách quê người, không còn những khán giả ái mộ nồng nhiệt như ở quê nhà trước đây. Cũng có người sang đó được chúng đưa đi thăm thú, chơi bời, lúc cao hứng tuyên bố lung tung, lúc tỉnh ra hối hận thì đã muộn… Có nghĩa là phải hết sức dè chừng, cảnh giác. Đoàn lên đường lại nhận được thông báo sẽ có cuộc biểu tình ở Mỹ. Cuộc biểu tình này đã được đăng ký, nộp thuế, hạn định số người, thời gian và phạm vi rồi cứ thế, trong diện tích cho phép ấy tha hồ hò hét. Trái với dự đoán của anh em trong đoàn sẽ được “đón tiếp” bằng trò hề biểu tình ở sân bay, phải mấy hôm sau, đúng ngày khai mạc 28-9 các phần tử quá khích người Việt Nam ở đấy mới kéo đến.
Đúng theo quy định, cách hành lang triển lãm đúng 5 mét với vài chục người lèo tèo trương cờ ba que và… hò hét.
Vừa buồn cười vừa bực mình, bởi đây là lần đầu tiên chứng kiến một “hành vi dân chủ” ở một nước luôn tự hào bởi nền dân chủ (!) nhưng cứ trông cái đám người láo nháo hò hét ngoài cửa kính của gian hàng triển lãm kia thật ồn ào như chợ vỡ. Nhiều người Việt ở California đến dự triển lãm nói với anh em:
- Kệ thây chúng nó, vô công rỗi nghề nên chúng nhận 55 đô la cho một ngày tham gia biểu tình. Hơi đâu mà để ý.
Và cũng không có gì đáng để ý thật khi đám người hiếu sự ấy hô đả đảo luôn cả Phó Thống đốc bang California lẫn Thị trưởng San Francsico bởi họ đã “đến dự cuộc triển lãm của cộng sản” (!). Ngoài cái đám người la ó ngoài sân, có không ít kẻ lảng vảng đến triển lãm để dè bỉu, cạnh khoé. Mấy chị ở trong đoàn “đốp” lại các tay này “đau” mà thấm thía:
- Về nước chịu khó mà làm ăn đi em ơi, đừng có ở đây đi hò hét thuê vậy nhục lắm, lương em không bằng tụi chị xài ba ngày ở Sài Gòn đâu!
Nhiều tên nghe vậy lủi mất.
Đấy, bước đầu của triển lãm bị dăm kẻ nhiễu sự làm phiền như thế, song, chỉ 4 ngày của triển lãm đã có hơn 4.000 lượt doanh nhân Mỹ đến tham quan, dự hội thảo và tìm kiếm cơ hội làm ăn. Hàng Việt Nam đến triển lãm lần này là những nông sản như cà phê, hồ tiêu, các mặt hàng mộc - mỹ nghệ cao cấp, thuỷ hải sản… Đổi lại, hàng hoá Mỹ giới thiệu với Việt Nam phần lớn là hàng công nghiệp.
Phải nói ngay rằng nước Mỹ là một thị trường lớn. Chính quyền bang California nói rằng họ có thể mua toàn bộ hàng xuất khẩu thuỷ sản của ta hiện nay, ngay như gạo, dù là nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới nhưng họ vẫn ký mua của ta 300.000 tấn/năm để xuất sang một nước thứ ba. Tại triển lãm này, Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Trị chào hàng trên catalogue, tuy nhiên ngay sau khi về nước chúng tôi đã nhận những bản fax của các doanh nghiệp Mỹ về việc muốn mua cà phê, hồ tiêu và hàng điêu khắc mỹ nghệ cao cấp. Một sự khởi đầu hứa hẹn song còn phải chờ đợi bởi một điều rất dễ nhận thấy là nếu Mỹ chưa ban hành quy chế tối huệ quốc (MFN) thì rõ ràng sự xuất nhập các mặt hàng vẫn còn gặp khó khăn, mặc dù nếu có quy chế tối huệ quốc thì sẽ có lợi cho cả nước Mỹ chứ không riêng gì Việt Nam. Trước hết, người Mỹ thấy rằng thị trường Việt Nam đang cần từ động cơ máy bay đến chiếc quần Jean và nhiều loại hàng hoá công nghiệp và dân dụng khác, mà rõ ràng người Mỹ có thể cung cấp tốt hơn hàng hoá của Nhật Bản, các nước Tây Âu và các nước châu Á khác. Người ta ước tính Mỹ có thể bán 500 triệu đôla hàng hoá cho Việt Nam trong hai, ba năm tới và sau năm 2000 con số này sẽ đạt tới hàng tỷ, tuy nhiên để có tiền mua hàng Mỹ, Việt Nam phải bán được hàng vào nước Mỹ, và như thế cần có quy chế tối huệ quốc để giảm thuế cho hàng Việt Nam. Bán được hàng cho Việt Nam, người Mỹ sẽ có thêm công ăn việc làm - đấy là chuyện đương nhiên.
Theo phát ngôn viên của hãng General Electric cho biết thị trường Việt Nam sẽ tạo thêm 5.000 chỗ làm cho hãng này trong 10 năm tới. Ngay như Trung Quốc, việc Mỹ gia hạn quy chế tối huệ quốc đã tạo thêm cho Mỹ 200.000 chỗ làm, bởi thế quy chế tối huệ quốc cho Việt Nam là chuyện sẽ diễn ra trong tương lai không xa. Nhắc đến chuyện việc làm để biết rằng ở một số nước như nước Mỹ, việc làm vẫn không phải là chuyện dễ dàng. Những ngày ở Mỹ chúng tôi được biết những người không có việc làm sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp 700USD/tháng nhưng không dễ nhận được suôn sẻ số tiền ấy. Văn phòng trợ cấp thất nghiệp gọi anh lên xong, vài hôm sau đó lại gọi lên, bảo rằng có việc như dọn vệ sinh, rửa bát ở một nhà hàng nào đó mà anh từ chối hoặc chê là cắt phăng ngay trợ cấp của anh. Nước Mỹ giàu có vào bậc nhất như vậy nhưng không thiếu những người ăn xin. Kỳ quái hơn nữa là những người ăn xin ngồi ngay cả trước những nơi như toà Bạch ốc hay điện Capitol (trụ sở Quốc hội Mỹ) (một biểu hiện của “tự do” chăng?) - một tấm biển bằng tiếng Anh “Hãy cho tôi tiền” hoặc một câu gì đó na ná thế để bên cạnh chiếc mũ nhàu hay lon bơ rỗng. Nhiều anh trong đoàn thấy lạ quá, mà không lạ sao được khi suốt những ngày qua rong ruổi trên những xa lộ phẳng lỳ sạch bóng, giữa những thành phố sạch sẽ, tinh tươm và những cánh rừng mỡ màng cây lá không ai không thừa nhận nước Mỹ giàu và biết cách làm giàu.
Những ngày ở Mỹ chúng tôi đã đến thành phố Las Vegas thủ phủ bang Nevada. Đấy là một thành phố mọc lên giữa sa mạc. Giữa nắng lửa thiêu đốt và cát trắng mênh mông, người Mỹ đã tạo sức hấp dẫn cho thành phố này bằng cách biến nó thành một sòng bạc quốc tế. Những khách sạn 4.000 đến 5.000 phòng đầy đủ tiện nghi và vô số những cách thức đánh bạc. Các tay triệu phú, tỷ phú từ khắp nơi trên thế giới tìm đến đây tiêu khiển, những cuộc bạc nướng cả gia tài sản nghiệp hàng triệu đôla, từ gã chăn bò trở thành triệu phú cũng có và không ít triệu phú trở thành ma cô trên răng dưới… dế cũng từ đây. Kể như thế để biết ở cái đất nước này chuyện có mà như không có – không mà như có, hay nói theo nhà Phật “sắc sắc không không” là chuyện thường tình. Chỉ cần anh có việc làm là các tổ chức tín dụng cho anh vay tiền tậu xe, tậu nhà rồi trừ dần vào lương, nó buộc anh vào đấy rồi anh chỉ có cách làm việc cật lực để trừ nợ. Mà chuyện làm việc ở Mỹ không phải theo thời gian tuỳ hứng, nửa buổi có thể pha trà tán gẫu như ta. Phải thừa nhận người Mỹ có cách thức quản lý lao động vô cùng chặt chẽ. Không chỉ được tự động và vi tính hoá hầu hết công việc, người công nhân phải dán mắt vào màn hình computer suốt 8 - 9 giờ đồng hồ. Và nếu anh bị đuổi việc ở một nhà máy nào đó thì khó lòng mà xin việc ở một cơ sở khác bởi hồ sơ của anh đã được mã hoá và quản lý trên máy vi tính đã được nối mạng. Văn minh công nghiệp đã tạo ra nước Mỹ cũng như nước Mỹ đã tạo ra văn minh công nghiệp. Tuy nhiên, bảo hiểm cho nền văn minh kia là hệ thống luật pháp, mà những ngày ở đó tôi đã nghe không ít chuyện về luật của nước Mỹ.
Ngoài câu chuyện “biểu tình có đóng thuế”, một anh bạn cho tôi hay người Mỹ rất sợ ra toà. Bước ra khỏi nhà đi làm là leo lên xe. Xe chạy trên đường có quy định bao nhiêu dặm một giờ chạy nhanh quá hay chậm quá cũng ngán các cảnh sát giao thông của Mỹ. Với một hệ thống camera cực kỳ nhạy bén, xe anh chạy sai quy định sẽ thấy ngay xe cảnh sát xuất hiện và đưa cho anh tấm card. Cứ cầm lấy rồi toà sẽ gọi anh lên xử và nộp phạt chứ không phải ở ta cứ làm biên lai (hoặc không) là xong. “Kinh khủng” nhất là xe đã ra toà rồi thì mức mua bảo hiểm các tháng sau đó sẽ bị tăng lên, chủ xe chỉ có nước méo mặt mà không dám kiện. Và cũng từ một nền pháp luật chi li đến chân tơ kẻ tóc như vậy nên làm ăn với Mỹ trong buôn bán, xuất hàng nếu "tơ lơ mơ" là trắng tay. Nước Mỹ là nước của thủ tục. Chặt chẽ và chi li. Triển lãm vừa qua, hàng mang đến triển lãm được đăng ký mẫu mã, số lượng vậy mà có anh mang thêm (để có thể kiếm lãi) bị phát hiện ngay và thế là phải gửi trả. Hàng nhập vào phải ghi rõ số lô hàng, không có dòng chữ này cũng suýt bị trả lại. Chất lượng, số lượng và thời gian giao hàng là những điểm đặc biệt lưu ý khi buôn bán với Mỹ, nếu không muốn mất bạn hàng.
Tuy nhiên cũng có nhiều chuyện rất buồn cười về sự qua mặt pháp luật Mỹ của những anh chàng Việt láu lỉnh ở đó. Ví như tiền bảo hiểm ở Mỹ rất cao, có hai anh chàng đi hai chiếc xe cũ nói theo kiểu ta là “vứt không ai thèm nhặt” bày trò cho xe tông nhau tan tành rồi lãnh tiền bảo hiểm mua xe mới, cũng như có vợ chồng bày trò giả vờ ly dị để được cấp thêm trợ cấp nuôi con trong khi vẫn sống và… đẻ với nhau thêm vài đứa nữa. Những cú qua mặt ấy mà bị luật pháp phát hiện thì cũng gãy lưng bởi số tiền phạt, nhưng ở Mỹ thiếu gì chuyện cần phải ma mãnh hơn mà người ta vẫn làm, ăn nhằm gì ba cái chuyện ấy.
Với những ưu việt về hệ thống quản lý và những quy định chặt chẽ của luật pháp, tuy nhiên, nhìn thật gần, sự chặt chẽ của luật pháp lại tạo ra nhiều điều cắc cớ. Nhất là sự giáo dục trẻ con ở trong gia đình Mỹ. Ở Mỹ có cả một vương quốc giải trí (tất nhiên không chỉ cho trẻ con chơi) là Disneyland với những con khủng long khổng lồ bằng máy y như thật, những trận chiến của lũ hải tặc trên biển thế kỷ XV-XVI, các khu rừng nhiệt đới, các tàu ngầm cho người ta đi xuống biển (tất nhiên là “biển giả”). Và ngay trong gia đình, bố mẹ không được quyền đánh chúng. Lỡ có “dại” mà phang chúng một cái tát để nó quay điện thoại cho cảnh sát thì năm phút sau sẽ có người gõ cửa phạt ngay tội “hành hạ trẻ em”. Bởi thế, đứa trẻ lớn lên dễ bị hư hỏng, dể thoát khỏi vòng tay cha mẹ nên nhiều người già ở Mỹ rơi vào bi kịch cô đơn lúc cuối đời, tìm niềm an ủi từ các con thú nuôi trong nhà như chó, mèo…
…Dẫu sao thì trong mấy tuần tiếp cận với một nước Mỹ - nhìn từ gần - dưới góc nhìn một nhà doanh nghiệp hay một người khách lần đầu đến Mỹ, nước Mỹ cũng không gây nên những ấn tượng “khổng lồ” như nhiều người vẫn tưởng. Hầu hết các doanh nhân không thấy bị “ngợp” giữa thị trường Mỹ dù nước Mỹ giàu có hơn ta cả ngàn lần. Chỉ mới một năm tròn sau ngày bỏ cấm vận, những bước tiến trong quan hệ hai nước cho phép chúng ta hy vọng đến ngày bang giao bình thường sẽ không còn xa cũng như một quy chế tối huệ quốc đang rất gần. Cùng với nó là một văn phòng liên lạc hay lãnh sự, đại sứ quán được thiết lập để việc lấy visa nhập cảnh không phải qua tận Bangkok như bây giờ. Và như thế, sẽ có ngày những côngtenơ cà phê, hồ tiêu của Quảng Trị sẽ lên đường sang Mỹ, những máy móc công nghiệp sẽ được nhập về góp sức vào hàn gắn vết thương trong chiến tranh trên miền đất khốc liệt này. Đó là niềm tin chân thật chứ không phải là mơ ước viển vông bởi một sự kết thúc này sẽ mở đầu cho một điều tốt đẹp khác, như những người Mỹ mà tôi gặp ở triển lãm Viet Expo 94 đã nói: Sự khởi đầu ấy là hoà bình, hữu nghị và hợp tác. Họ tin ở những con người Việt Nam thông minh nhân hậu và nhẫn nại như chúng ta tin nước Mỹ của G.Washington hơn 200 năm trước đã khát vọng bình đẳng và bác ái, nước Mỹ của Walt Whitman, Heming way, Jane Fonda đã cất tiếng nói vì Việt Nam trong những năm chiến tranh và ngọn lửa thiêu mình của anh Noman Morrison bên bờ sông Potomac đến bây giờ vẫn còn cháy sáng những yêu thương Việt Nam.
Tháng 12-1994

Tác giả bài viết: Lê Hữu Thăng

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: hai nước

Những tin mới hơn