17:06 ICT Thứ sáu, 19/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Hồi ký "Chuyện kể về một thời"

NHỮNG BƯỚC CHÂN TIỀN NHÂN

Thứ năm - 12/01/2012 14:38
Tôi vẫn hằng tâm nguyện từ rất lâu, rằng nếu có điều kiện sẽ lần theo những câu chuyện mở cõi của các bậc tiền nhân còn lưu lại qua lời kể bao đời, qua những trang phả hệ dòng tộc đã ố màu thời gian để truy nguyên vết dấu khởi thủy của cụ tổ dòng họ Lê Đại chúng tôi. Nhưng công việc mỗi ngày với bao lo toan đời thường không tuổi, không tên cứ cuốn ta vào guồng quay của nó. Đôi khi trong những giấc mơ, có thể là từ ám ảnh của một buổi giỗ tộc, tôi vẫn mơ thấy những tiền nhân của dòng tộc đã ra đi từ một miền quê rất xa trên đất Bắc. Những dấu chân tiền nhân hòa cùng bao nhiêu lưu dân đi qua ngàn trùng thiên lý để tiến về phương Nam, mở cõi tới đâu, lập ấp đến đó. 
Trong tộc Lê Đại của tôi, từ xưa truyền lại, rằng sau khi Lý Thường Kiệt chinh phạt quân Chiêm Thành, dòng họ Lê Đại cũng như năm dòng họ khác gồm Lê Công, Nguyễn Văn, Đào Bá, Lê Bá và Hồ Văn có nguồn gốc từ Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa trở ra di dân vào và chọn mảnh đất miền tây Cam Lộ dừng chân, trở thành những lưu dân khai khẩn. Cũng theo truyền khẩu của các dòng tộc, nơi những cụ tổ đầu tiên dựng nghiệp là xứ Làng Roọng (Nà), nay thuộc xã Cam Thành, huyện Cam Lộ và lập nên làng An Khang, cũng như hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa (Cam Lộ) gọi là Cùa.
Cùa và Nà là những vùng đất màu mỡ, chủ yếu là đất đỏ bazan. Ngày nay đất ấy phù hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, còn xưa kia hẳn là vùng rừng núi hoang vu, trùng điệp. Những câu chuyện kể bất thành văn của người làng truyền qua bao thế kỷ vẫn lưu dấu về vùng đất nhiều muông thú với nhiều loài thú dữ như hổ, beo. Cộng đồng sáu dòng tộc làng An Khang dựa vào nhau để sinh sống, chống đỡ thiên tai, bệnh tật và thú dữ. Ngày ấy sản xuất chủ yếu là làm nương rẫy và săn bắn, khai thác trầm hương, gỗ quý và trao đổi buôn bán với dân Lào vì ở đây cách biên giới Lào - Việt chưa đầy 60 km.
Đám cưới của Huyền Trân công chúa và vua Chiêm là Chế Mân vào năm 1306 với sính lễ là châu Ô, châu Lý rất có thể đã tác động vào cư dân làng An Khang của miền tây Cam Lộ. Từ sau sự kiện này, địa giới cương vực Đại Việt được mở rộng, thay vì sống vùng đồi núi trập trùng hoang sơ, những cư dân của làng An Khang đã mở đường tìm về vùng đất mới theo dòng sông Thạch Hãn, rồi lần theo các chi lưu của sông mà tìm ra vùng đất sáng tươi thuận lợi để mưu cơ nghiệp cho dòng tộc, cháu con. Đấy cũng là một điều rất đặc biệt trong lịch sử di dân của người Việt. Cứ mỗi lần mở mang thêm một vùng đất mới thì cư dân từ hậu phương ngay lập tức tiến về phía trước khẩn trương lập làng lập ấp mà công cuộc khai phá ấy gọi theo ngôn ngữ hiện đại ngày nay là đi “kinh tế mới”.
Những cuộc khẩn hoang “kinh tế mới” bao giờ cũng gian nan, vất vả trong buổi đầu, nhưng rồi cùng với thời gian đã biến những miền hoang vu thành những ruộng đồng mùa màng phong nẫm, làng xóm trù mật. Mỗi chuyến ra đi lại mang theo tên đất tên làng trước đó để đặt cho vùng quê mới, vừa để tưởng nhớ quê xưa nhưng cũng thể hiện sự gắn bó đời người với miền đất vừa vỡ vạc.
Phả hệ của làng An Thái không xác định được đến thời gian nào thì cư dân sáu tộc họ của làng An Khang rời làng Roọng để xuôi về xứ Nương Hoang - tức làng An Thái ngày nay. Đất mới ở xứ Nương Hoang, trong bia ký của làng vẫn ghi rõ “Lục tộc đồng khai khẩn”. Sáu dòng họ từ thuở vào miền núi đồi tây Cam Lộ hay về xứ Nương Hoang vẫn đoàn kết bên nhau, chính sự đoàn kết, gắn bó ấy đã giúp cho xứ Nương Hoang thuở nào thành vùng quê nuôi lớn những đời dân của mảnh làng mới, mang khát vọng thái hòa để sau này đổi tên làng từ An Khang thành An Thái.
Xứ Nương Hoang buổi đầu được chia thành hai xóm: xóm Trong và xóm Ngoài. Lớp người của làng trước năm 1975 ai cũng biết xóm Trong, xóm Ngoài chỉ cách nhau hơn nửa cây số. Ngày nay, vì dân làng phát triển, đã làm nhà ở kín, nối liền giữa hai xóm nên khái niệm “trong, ngoài” đó đã không còn.
Có đất tốt để lập nên ngôi làng mới, con dân sáu họ dốc sức làm ăn, xây dựng làng mạc, đến thời vua Lê Hiển Tông đổi tên thành làng An Thái. An là để giữ gốc làng An Khang, Thái là để cho dân làng thái thịnh, thái hòa, không bị quấy phá.
Đứng chân tại xứ Nương Hoang, theo quy luật “tiền khai khẩn, hậu khai canh” các vị tiền hiền của làng đã lo tìm đất đai gieo trồng lúa, trồng màu. Lo xa đến công cuộc tương lai, tiền nhân của làng buổi ấy tìm lên những vùng gò đồi như Quéng, Choại mở lối lên rừng, tìm hướng cho sự phát triển của con cháu. Tầm nhìn người xưa cũng “tự quy hoạch” vùng đất cát để mai táng người quá cố, hợp với vệ sinh và không mất diện tích canh tác sau này.
Vì ngày xưa không có bản đồ địa chính, ranh giới giữa các làng cũng không có căn cứ, cơ sở nào nên dễ bị xâm lấn. Để giữ đất, xác định biên thổ của làng, những hậu duệ thời kế tiếp đã cất bốc mộ chí của sáu ngài thủy tổ từ làng An Khang cũ (Nà) về táng tại nơi ranh giới các làng trên vùng đất mới như: ranh giới với làng Thượng Xá là nơi an táng ngài thủy tổ họ Lê Công, Đào Bá; ranh giới với làng Trà Lộc, xã Hải Xuân, an táng ngài thủy tổ họ Lê Đại; ranh giới với làng Đại Nại, an táng mộ thủy tổ họ Nguyễn Văn; ranh giới với làng Long Hưng, an táng mộ thủy tổ họ Lê Bá. Những mộ phần của tiền nhân trở thành nơi con dân của làng lấy làm căn cứ xác định địa giới đã ngầm nói lên thầm ý của người xưa, giữ làng chính là giữ nước, dân ta có từ “làng nước”, có làng mới có nước, nhiều vạn ngôi làng hợp thành đất nước. Đó cũng là một điều nhắc nhở của tiền nhân với hậu thế.
Mãi đến những năm đầu thế kỷ XIX, dưới triều vua Thành Thái, dân làng An Thái chỉ mới khoảng 300 người. Đến thế kỷ XX, hai cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, dân làng hy sinh, chết chóc vì bom đạn, vì đói rét, nhất là trận đói năm 1945, nên đến ngày hòa bình năm 1975 dân số của làng cũng mới chỉ chưa đầy 1.000 người. Hơn ba mươi năm qua, đến nay dân số của làng đã lên đến gần 2.700 người.
Bởi khởi thủy của làng là những người dân đã mang khát vọng chinh phục miền đất mới, từ buổi đầu đến khai phá, chống lại thú dữ, rừng thiêng nước độc gây dựng sự nghiệp nên trong huyết quản của người dân đã mang sẵn dòng máu dũng cảm. Những thế hệ con dân sau này tiếp nối tinh thần đó, không khuất phục bạo cường, áp bức, bởi thế khi cách mạng ra đời, làng có nhiều người tham gia rất sớm. Như cụ Lê Thược tham gia tổ chức tiền thân Đảng Cộng sản Việt Nam là Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội; có các cụ Đào Bá Quê, Lê Chí Nghiên, Đào Bá Vận, Đào Thị Nuôi tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ XX. Đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 làng có thêm nhiều người hăng hái tham gia các đoàn thể cách mạng. Một ngôi làng nhỏ nhưng rất tự hào bởi qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm dân làng đã có hai vị tướng: Tướng tình báo quân sự Đào Xuân Thu và tướng quân sự Lê Đình Mộng. Có Anh hùng Lực lượng vũ trang Đào Thanh Mai. Và đặc biệt, trong niềm tự hào của làng tôi, có hình tượng ông Lê Văn Hoan, một “huyền thoại sống” của dân làng bởi ông đã sống và hoạt động suốt 20 năm trong vùng địch tạm chiếm. Chúng tôi hay nói đùa ông Hoan làm nghề “đi trốn” 20 năm. Địch luôn truy tìm ông gắt gao, chỉ cần có tin ông Hoan về hoạt động vùng nào y như rằng địch tập trung càn quét vùng đó. Nhưng khi địch đến thì ông đã chuyển đi vùng khác. Nhờ khả năng phán đoán như một nhà tiên tri nên ông đã hàng chục lần thoát chết trong gang tấc. Ông là một thần tượng của nhân dân, ai chưa giúp đỡ cách mạng gặp ông Hoan rồi cũng giúp đỡ cách mạng; ai chưa theo cách mạng gặp ông rồi thì cũng muốn theo. Kể cả những gia đình có con bên kia chiến tuyến cũng giấu con mà che chở, nuôi giấu ông.
Những người nông dân trong làng và cả vùng Hải Lăng ngày ấy, vốn chân lấm tay bùn, nhiều người còn chưa biết chữ, chỉ có lòng gan dạ và ý chí kiên trung. Họ theo cách mạng chỉ vì họ tin ở ông Hoan, theo ông Hoan, nuôi giấu ông Hoan, nuôi giấu cán bộ cách mạng, thế thôi! Nhiều nhà báo đã viết về cuộc đời ông Hoan, đó là một “huyền thoại sống”. Câu chuyện đời ông, mọi người có thể tìm đọc qua cuốn hồi ký Đất quê hương của ông, một tập hồi ký mộc mạc, chân thành và cảm động về một người cán bộ của Đảng hết lòng tận tụy phục vụ nhân dân và luôn biết ơn dân.
Sau này ông là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên, rồi làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, đại biểu Quốc hội các khoá VII, VIII.
Truyền thống hiếu học cũng là một niềm tự hào của làng An Thái và dòng họ Lê Đại. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân làng ít người được đi học, không mấy người biết chữ, nhưng đến nay dân làng đã có hai giáo sư, hai phó giáo sư, một nhà giáo nhân dân, chín tiến sĩ và hàng chục thạc sĩ.
Dòng họ Lê Đại của chúng tôi có ngài thủy tổ là Lê Đại Trù, biết rằng ngài từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh trở ra di cư vào từ thế kỷ XIII cùng với các ngài thủy tổ các dòng họ khác, nhưng không biết rõ cội nguồn. Con cháu hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm lần theo những vết dấu lịch sử để tìm lại cội nguồn dòng tộc, tìm được quê xứ nào trên đất Bắc mà ngài thủy tổ đã từ đó cất bước ra đi. Mộ chí của ngài thủy tổ Lê Đại Trù sau này được cháu con trong dòng tộc đưa từ vùng Nà miền tây Cam Lộ về an táng tại Bộc Xá Thượng, gần bàu Sú, giáp đất thôn Trà Lộc xã Hải Xuân.
Ngài thủy tổ Lê Đại Trù là một trong sáu ngài của “Lục tộc đồng khai khẩn” được triều đình ban sắc “Phong thần khai khẩn phụng sự bổn thổ vùng An Khang”, được dân làng tôn vinh, thờ phụng ở đình làng, được họ tộc khắc thần chủ thờ phụng ở từ đường họ Lê Đại. Trải qua bao biến thiên, con cháu trong họ không theo quy tắc nên đã đặt tên họ không đúng như: Lê Đình..., Lê Quang..., Lê Hữu..., Lê Trọng..., Lê Minh..., Lê Thanh…, Lê Xuân…
Sau ngài thủy tổ Lê Đại Trù, từ đời thứ 2 đến đời thứ 7 do mất mục lục, gia phả nên không rõ tên và thứ tự các đời, đó là nỗi trăn trở nhất của con cháu hậu duệ hôm nay. Đến đời thứ 8, ngài Lê Đại Hủy sinh hạ Lê Văn Trạch, Lê Văn Tuyên, Lê Văn Chí, Lê Văn Long, Lê Văn Vạn (đời thứ 9), đến nay đã có con cháu đời thứ 15, 16. Để giữ gốc gác, dòng họ, từ năm 2000, họ Lê Đại đã họp con dân trong dòng tộc quy định: Từ nay trở đi con cháu trong họ mới sinh ra, con trai phải lấy họ Lê Đại.
Noi gương cụ Lê Thược (tôi gọi là chú), 14 người con của dòng họ đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong đó có chú Lê Sắt làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến, chú Lê Thanh làm Chủ nhiệm Việt Minh làng An Thái.
Khởi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dân họ Lê Đại mới chỉ có 14 gia đình và có khoảng 85 người sinh sống tại làng, nhưng đã có 14 người tham gia kháng chiến, có    7 người hy sinh, trong đó có chú Lê Mão bị địch bắt và chặt đầu, cắm vào cọc, khi gia đình tìm ra thì chỉ nhận dạng được đầu, còn thân mình lẫn lộn với đồng chí khác. Có bác Lê Hồi, bác Lê Chước (hai bác ruột của tôi) và chú Lê Sắt, bị giặc Pháp ở bốt Qua Lồ (Hải Quy) bắt và đưa qua động cát gần bốt để chôn sống. Những đau thương, mất mát đó làm cho họ tộc càng thương yêu, đùm bọc nhau hơn, và lòng căm thù giặc chất đầy trong lòng mỗi người dân họ Lê Đại. Bước qua cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trong họ tộc có tám người đi tập kết ra Bắc, con trai trong họ lớn lên hầu hết thoát ly tham gia cách mạng nên chưa lấy vợ, con gái lớn lên cũng tham gia cách mạng hoặc đi lấy chồng, nên dân họ gần như không phát triển, đến khi kết thúc chiến tranh năm 1975, dân họ cũng mới chỉ có 18 hộ và chưa đầy 100 nhân khẩu đang sinh sống trên đất làng. Tộc Lê Đại có 18 hộ nhưng không hộ nào là không có người đi theo kháng chiến, hoặc tập kết ra Bắc, hoặc thoát ly tham gia cách mạng, nhiều gia đình có đến bốn, năm người. Nhà nào cũng là cơ sở cách mạng, nấu cơm và tiếp tế cho cán bộ hoạt động nằm vùng. Nhiều nhà có hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Những năm tháng đó, việc nuôi giấu cán bộ cách mạng trong nhà là hành động vô cùng dũng cảm, bởi nếu bị lộ thì chắc chắn bị địch tra tấn, tù đày. Gia đình có chồng con đi tập kết hoặc có chồng con thoát ly tham gia cách mạng thì đồng nghĩa với việc luôn bị địch xét hỏi, bắt bớ và chịu đủ thứ hành hạ. Vậy mà có những giai đoạn ác liệt, thoát ly tham gia cách mạng là xác định hy sinh, nhưng gia đình, cha mẹ vẫn sẵn lòng động viên chồng con thoát ly tham gia kháng chiến. Kết thúc chiến tranh, họ Lê Đại có đến 21 người hy sinh, chiếm tới 23% dân số họ lúc bấy giờ. Một trăm phần trăm số hộ (trừ những hộ mới chia tách sau năm 1975) có huân, huy chương kháng chiến. Họ tộc ít người mà có đến 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Tôi muốn nói nhiều hơn đến các Bà mẹ Việt Nam anh hùng là con dân trong dòng tộc để chúng ta hôm nay và con cháu mai sau mãi mãi tri ân các mẹ.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Lách, tôi gọi là thím. Thím có ba con trai, hai con trước là Lê Trương và Lê Hào đã hy sinh thời chống Pháp. Chồng thím là chú Lê Cường tập kết ra miền Bắc, thím chỉ còn một đứa con út là Lê Úy. Úy rất đẹp trai và được thím rất cưng. Tuy nhà nghèo, thím vẫn dành dụm cho Úy ăn học và bắt lấy vợ sớm. Tuy chưa có cháu nối dõi tông đường nhưng thím vẫn sẵn lòng cho Lê Úy thoát ly ra đi đánh giặc và Úy đã hy sinh năm 1971. Vào thời điểm căng thẳng nhất, cán bộ ta bị đánh bật ra khỏi địa bàn thì thím đã làm hầm bí mật trong nhà để nuôi giấu rất nhiều cán bộ của an ninh thị Quảng Hà. Kể cả khi Lê Úy đã hy sinh, thím cũng nén đau thương để nuôi cán bộ cách mạng, nên khi thím còn sống an ninh thị Quảng Hà luôn coi thím là bà mẹ của đơn vị, tìm cách đưa thím ra vùng giải phóng sống với cơ quan. Thím có người con rể là ông Đào Giai, bị địch bắt đi lính ngụy và làm trung sĩ quân y. Có lần, vào một buổi chiều, ông Giai bất ngờ về thăm thím, gặp Việt cộng đang ngồi trong nhà. Hai người ở hai chiến tuyến gặp nhau. Ông Giai mặt mày nhợt nhạt vì sợ hãi. Thế rồi thím đã rất bình tĩnh, lựa lời cho hai bên trò chuyện với nhau rồi cảm hoá con rể để ông không báo với địch, về sau ông Giai còn thông qua thím để gửi thuốc men cho cán bộ cách mạng.
Mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Vui là bác dâu tôi, chồng là bác Lê Hồi làm trung đội trưởng dân quân thời chống Pháp. Bác Hồi bị giặc Pháp bắt và chôn sống năm 1948. Bác Vui ở vậy từ tuổi 22, thủ tiết thờ chồng nuôi con, nuôi cán bộ cách mạng và bị địch bắt nhiều lần. Bác chỉ sinh được một người con là anh Lê Thịnh, dù thiếu thốn trăm bề nhưng bác vẫn lo cho anh Thịnh ăn học. Ông nội tôi và bác Vui ép anh lấy vợ rất sớm, khi mới 17 tuổi để hy vọng có con nối dõi tông đường. Khao khát có đứa cháu nội vậy nhưng bác cũng cho anh Thịnh thoát ly đi đánh giặc. Bác làm hầm bí mật trong nhà để nuôi anh Thịnh và nuôi cán bộ cách mạng. Nhưng cuộc chiến khốc liệt, anh Thịnh đã hy sinh vào Tết Canh Tuất - 1970 để lại bác tôi một thân một mình hơn 40 năm nay. Chồng và đứa con trai duy nhất là liệt sĩ, ở tuổi gần 90, bác vẫn một mình cô đơn hiu quạnh.
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Đẩu, tôi cũng gọi là thím, chồng thím là chú Lê Sắt - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến, bị giặc Pháp bắt và chôn sống năm 1948. Thím có năm người con trai: Lê Hoàng, Lê Tự tập kết ra Bắc, còn Lê Từ, Lê Toại, Lê Tường ở lại miền Nam. Ba người con ở lại miền Nam noi gương bố, thoát ly tham gia đánh Mỹ, cứu nước và Lê Toại, Lê Tường đã hy sinh vào những năm 1968, 1970, còn Lê Từ bị ốm được đưa ra miền Bắc chữa trị. Thím Đẩu có hai người con rể thì một con là liệt sĩ, một con là cơ sở cách mạng bị địch bắt và bị tù đày.
Mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Cầm có các con là Lê Thiềm, Lê Quang Thiêm tập kết ra Bắc, Lê Thiềm hy sinh, Lê Thiết ở lại miền Nam, thoát ly tham gia kháng chiến chống Mỹ và cũng hy sinh năm 1971. Cô con gái của thím là Lê Thị Sính, người rất trắng trẻo, xinh đẹp như thím hồi còn trẻ cũng đã theo gương các anh đi đánh giặc và đã hy sinh ở tuổi đôi mươi.   
Nhắc đến các Bà mẹ Việt Nam anh hùng của dòng họ Lê Đại mà không nhắc đến o (cô) Lê Thị Phi thì thật thiếu sót. O là con gái họ Lê, lấy chồng ở làng Ba Khê, chỉ được một người con trai duy nhất nhưng o cũng cho đi đánh giặc cứu nước và đã hy sinh, o là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Dù nhiều bà mẹ là con, dâu của họ Lê Đại làng An Thái không được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhưng đã có những đóng góp, cống hiến rất đỗi anh hùng như thím Đào Thị Bắc, Đào Thị Thủm đều có ba, bốn người con thoát ly đi đánh giặc. Các thím luôn bị xét hỏi, đánh đập, tù đày, đêm bị địch bắt đi “gác” cầu, cống và bị địch tra khảo hành hạ, thế nhưng các thím vẫn luôn vững vàng như bức thành đồng để các con yên tâm làm cách mạng. O Lê Thị Dự suốt những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà o không lúc nào vắng bóng cán bộ, bộ đội của Huyện đội Hải Lăng, có lúc lên đến cả tiểu đội ở trong nhà nên o được mệnh danh là Bà mẹ Huyện đội Hải Lăng. O Lê Thị Kiểng gan dạ và dám hy sinh, vào những thời điểm khó khăn nhất, căng thẳng nhất, địch truy tìm gắt gao nhất, nhưng trong nhà o có hai hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ. Và nhiều bà mẹ khác là dâu, là con gái của họ Lê Đại đã có những hành động anh hùng tương tự.
Noi gương cụ Lê Thược, con cháu trong họ đã tham gia cách mạng khá sớm, không chỉ con trai mà nhiều người con gái của dòng họ nay vẫn còn được nhắc tên. Dù biết đi hoạt động cách mạng rất khổ cực và nguy hiểm, ngày phải chui vào hầm bí mật, đêm lên bám dân để hoạt động. Đàn ông con trai chịu đựng còn khó khăn, thế mà nhiều thanh nữ trong họ như o Lê Thị Hoa (Vinh), thoát ly từ năm 1964, là thời điểm cách mạng còn cam go, gian khó. Do ảnh hưởng phong kiến, thời đó còn xem nhẹ phụ nữ, nhưng bằng sự gan dạ, năng lực và uy tín của mình, o Lê Thị Hoa (Vinh) đã thu phục mọi người để trở thành người đứng đầu xã Hải Thượng, làm Bí thư Đảng ủy xã. Noi gương o Vinh các o Lê Thị Sính, Lê Thị Xuyến (Thu), Lê Thị Hoá, Lê Thị Uynh (Toan) cũng đã thoát ly tham gia cách mạng (trước ngày Quảng trị được giải phóng - 30-4-1972). Con em trong dòng họ nhiều người chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như Huân chương Giải phóng, Huân chương Chiến công, Dũng sĩ diệt Mỹ... Lê Đẳng, Đội trưởng Đội biệt động thị Quảng Hà, vốn là một sĩ quan quân đội rất nổi tiếng vì thành tích đánh giặc. Trong những thời điểm đen tối nhất, ác liệt nhất đều có mặt Lê Đẳng tại quê hương, làng xã. Tấm gương của Lê Đẳng ngày ấy ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ đàn em lứa tuổi chúng tôi lúc bấy giờ, như một hình ảnh để phấn đấu và ngưỡng vọng.
Vì số dân của họ tộc thì ít mà quá nhiều người hy sinh trong kháng chiến nên anh em trong dòng tộc Lê Đại tuy có nhiều nhánh khác nhau, nhưng luôn yêu thương nhau như con một nhà. Ông nội tôi kể lại câu chuyện vô cùng cảm động: Vào khoảng năm 1950, trong họ có người lâm vào hoàn cảnh éo le, vì con dân trong họ tộc quá nghèo không giúp đỡ được, tài sản quý nhất của dòng họ chỉ có cái chiêng bằng đồng là mang bán được, vậy mà họ tộc đã quyết định phải đem đi bán để cứu giúp người con của họ.
Trong hai cuộc kháng chiến, địch dùng đủ mọi thủ đoạn nhưng không một ai là con dân trong dòng họ đầu hàng, phản bội hoặc làm tay sai cho giặc. Chỉ có vài người bị địch bắt đi lính, nhưng những người đó không bắn và không bao giờ bắn Việt cộng bởi vì chính anh em ruột thịt họ là Việt cộng, cha mẹ, gia đình của họ cũng đang nuôi Việt cộng, khi về thăm nhà có thể gặp Việt cộng, có người còn được Việt cộng giao nhiệm vụ.
Dân số của dòng họ Lê Đại làng An Thái đến nay đã có 94 hộ, 297 khẩu, trong đó có 9 hộ với 42 khẩu đang sống tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác. Đi đôi với phát triển số lượng, dân họ cũng đã phát triển chất lượng, đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành đến cấp lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở, ngành cấp tỉnh: Lê Văn Nghệ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Lê Xuân Tánh - Trưởng ban Thi đua khen thưởng; Lê Văn Dăng - Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội; Lê Trọng Lưu - Cục phó Cục Thuế tỉnh.
Dưới các triều đại phong kiến, dân họ Lê Đại nghèo và không có thế lực nên không được đi học, chỉ vài người đi học chữ quốc ngữ và chữ Nho, học đến được bậc tiểu học đã được coi như là “đỗ đạt”. Nhưng đến nay, dân họ có hàng chục kỹ sư, cử nhân, bác sĩ, dược sĩ; có 6 thạc sĩ, và đặc biệt có một số người có học vị, học hàm cao, như: Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Lê Quang Thiêm là giáo sư đầu ngành Ngôn ngữ học Việt Nam, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội); Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tự, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học kỹ thuật nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Uyển; Tiến sĩ trẻ Lê Quang Hiếu và Tiến sĩ Trần Thị Minh Châu (con và dâu GS, TS. Lê Quang Thiêm), v.v.. Một họ tộc nhỏ, dân số không đông mà có 5 tiến sĩ, trong đó có 2 giáo sư, 2 phó giáo sư, có 5 cán bộ chủ chốt cấp tỉnh cũng là chuyện không nhiều tại thời điểm hiện tại.
Nói về GS, TS. Lê văn Tự, ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều người biết đến, nhất là những người thời đó, bởi vì giữa lúc đất nước đang khó khăn nhất về lương thực thì Giáo sư Lê Văn Tự từ Hà Nội được Trung ương điều động vào nhận nhiệm vụ làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu thổ nhưỡng đồng bằng sông Cửu Long, đề tài lớn nhất trong chương trình trọng điểm cấp Nhà nước: Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long nhằm giải quyết vấn đề ăn cho xã hội, đề tài áp dụng thành công góp phần giải quyết được vấn đề lương thực trong cả nước, làm nền tảng cho một quốc gia xuất khẩu trong số ít quốc gia xuất khẩu lương thực trên thế giới.                
                                         
         ( Từ phải sang; Lê Hữu Thăng, Lê Văn Hoan,GSTS Lê Văn Tự, GSTS NGND Lê Quang Thiêm , Lê quang Vĩnh)
                                    ( ảnh chụp bên chiếc C130 của Mỹ tại sân bay tà cơn mùa hè năm 2011)

Truyền thống hiếu học, cầu tiến đó ngày càng được vun bồi, thế hệ lớp cháu con sau này được sống trong môi trường học hành thuận lợi, lại được kế thừa và thấu hiểu những gian khó của các bậc cha anh nên chú tâm rèn luyện, phấn đấu. Tết năm Tân Mão 2011, trên bìa báo xuân Quảng Trị, độc giả thấy hình trang bìa là gương mặt một cô gái trẻ, đó chính là cháu Lê Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên ngành Kế toán - Kiểm toán, cháu tốt nghiệp với tấm bằng thủ khoa của Đại học Kinh tế Huế. Hoặc thế hệ sau nữa có cháu Lê Đình Nguyên học sinh lớp 9, đoạt giải nhì môn toán trung học cơ sở trong kỳ thi quốc gia trên máy tính CASIO và nhiều tấm gương của thế hệ đang nối tiếp, và điều ấy gieo trồng những mùa màng cho tương lai dòng tộc.
Sự hy sinh mất mát của dòng họ Lê Đại qua hai cuộc chiến tranh là quá lớn, sự phấn đấu vươn lên của các thế hệ để phát triển cũng không nhỏ, chắc chắn con cháu họ sẽ giữ vững truyền thống cách mạng và hiếu học của dòng họ Lê Đại.
May mắn có quê hương để vọng về, có dòng tộc để tự hào, và chúng tôi cũng may mắn lần nữa khi có được một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Có lẽ khi sống đến một tuổi nào đó, sau khi đi qua bao nhiêu đắng cay mặn ngọt của cuộc đời, người ta mới hiểu ra rằng cái quý nhất của hương hỏa để lại cho cháu con không phải là tiền muôn bạc vạn, mà chính là những gì được gây dựng nên trong huyết quản con người, làm nên truyền thống gia tộc, gia đình. Nói như một câu ngạn ngữ của người Ba Tư, cái gì mua được bằng tiền thì không thể gọi là quý. Trong ý nghĩa đó, của hương hỏa quý nhất mà tôi được thừa hưởng chính là truyền thống gia đình, bởi nó không thể mua được bằng tiền mà có được bằng chính mồ hôi, nước mắt và cả máu của bao nhiêu đời người mới tích tụ mà làm nên truyền thống. Và rồi chính chúng tôi đã biết nâng niu, gìn giữ làm tươi đẹp hơn truyền thống đó để dành lại cho thế hệ con cháu của mình.

Tác giả bài viết: Lê Hữu Thăng

Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: tiền nhân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn