08:18 ICT Thứ tư, 24/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Hồi ký "Chuyện kể về một thời"

“QUÊ HƯƠNG MỖI NGƯỜI CHỈ MỘT...”

Thứ ba - 10/01/2012 14:15
Trong tiếng Việt, có một từ thiêng liêng gần với từ “Mẹ” có lẽ là từ “quê hương”. Người Việt hay nói “Mẹ quê hương”, “Mẹ Tổ quốc”. Tôi tự thấy mình may mắn khi đi qua bao nhiêu dâu bể của đời người, ở vào tuổi sắp về hưu vẫn còn có người mẹ già ở quê để hôm sớm thăm nom, có một quê hương để mưa nắng đi về. Quê tôi cũng như mẹ tôi, tảo tần cơ cực mà vẫn vẹn tròn trung trinh, dào dạt lòng yêu thương dành cho con, cho cháu.
Quê hương cũng như người mẹ, không bao giờ thay đổi tình cảm dành cho những đứa con.
Tôi vẫn thường nghĩ ngợi những điều như thế khi từ Đông Hà về quê thăm mẹ. Qua khỏi thị xã Quảng Trị là có thể rẽ về làng trên con đường quốc lộ số 1 cũ từ thời Pháp, có lẽ đây là đoạn đường duy nhất trên hành trình thiên lý Bắc Nam còn lưu dấu vẻ đẹp nhỏ nhắn của con đường từ thuở đầu thế kỷ XX. Qua khỏi hàng cây cổ thụ hai bên đường, đến dòng kênh chạy song song soi bóng cánh đồng xanh ngút sắc lúa đương thì con gái, những mái ngói son tươi, con đường làng với hàng cau cao vút, đã bao nhiêu lần đi đi về về tôi vẫn không thể nén được cái cảm xúc ngèn nghẹn nơi lồng ngực. “Quê hương mỗi người chỉ một - Như là chỉ một mẹ thôi - Quê hương nếu ai không nhớ - Sẽ không lớn nỗi thành người”...
Quê tôi đó, làng An Thái, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Miền đất tươi đẹp trù phú của ngày hôm nay đã kinh qua nhiều giông bão của thời cuộc. Qua những câu chuyện đời của làng tôi được nghe kể từ những vị tiền bối, những câu chuyện được kể bởi chính cả cuộc đời nếm đủ bao gian truân khổ ải, dấn thân quyết liệt của một nhà cách mạng của quê hương như ông Lê Văn Hoan, hay qua những trang sách với những hồi ức tươi nguyên yêu dấu viết bằng một thứ ngôn ngữ giản dị mà tài hoa về quê nhà của nhà văn, nhà báo nổi tiếng - Phan Quang. Chính những câu chuyện góp nhặt ký ức từ ông bà, cha mẹ, anh em, từ những người nông dân chất phác, tự bao giờ tôi nhận ra quê mình mang một vẻ đẹp kỳ diệu. Bởi phía sau những sắc màu no ấm của bức tranh quê hôm nay, tôi nhận ra phía sau nó là những gốc rạ, bờ tre, cánh đồng, bãi cỏ… từng thắm máu của biết bao đời người, hết thế hệ này sang thế hệ khác.
Có lẽ nhiều máu đã đổ ra để bảo vệ quê nhà, cho nên, sắc màu bức tranh quê tôi trở nên sâu thẳm hơn, da diết hơn, và chính vì thế với bất cứ người Hải Thượng nào, dù xa quê hay ở ngay trên những ngõ làng, lối xóm thân thuộc, khi nghĩ về quê hương đều dậy lên một tình yêu mến khôn nguôi. Những yêu mến và tự hào đã trải qua hàng trăm năm lịch sử.
Xã Hải Thượng quê hương tôi cũng giống như bao miền quê khác của hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế, thuộc vùng đất của châu Ô và châu Lý. Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), vua Chiêm Thành chính thức dâng hai châu Ô, Lý cho nước Đại Việt qua câu chuyện tình của công chúa Huyền Trân và vua Chăm Pa là Chế Mân. Một số quan lại cùng binh lính được vua Trần cử vào trấn nhậm vùng Thuận Châu (châu Ô) và Hoá Châu (châu Lý) và dân nghèo từ Nghệ Tĩnh, Thanh Hoá trở ra hưởng ứng cuộc di dân lần thứ hai vào lập làng sinh sống ở vùng đất này.
Vì phả hệ không ghi lại nên không biết dòng họ Lê Đại của tôi cùng 5 dòng họ thuộc làng An Thái và các họ tộc khác ở các làng thuộc xã Hải Thượng cùng di cư vào vùng đất này sau đó bao lâu.
Người dân Hải Thượng luôn tự hào với truyền thống anh hùng của mình. Đây là xã được Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tuyên dương anh hùng trong đợt đầu tiên của miền Nam (ngày 20-12-1969) do những chiến công bất tử của quân và dân xã nhà qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Thống kê thành tích của Hải Thượng trong những bản tuyên dương công trạng chỉ là những con số, dòng chữ trên trang giấy, nhưng phía sau đó là biết bao máu xương của người dân Hải Thượng đã thấm xuống quê nhà và nhiều miền đất khác của Tổ quốc. Qua hai cuộc chiến tranh, Hải Thượng có đến 44 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: liệt sĩ Phan Thanh Chung và liệt sĩ Đào Thanh Mai; có hai người lính quê hương Hải Thượng đã lên tới hàng tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.  
Đất anh hùng nhưng cũng lắm đau thương. Kết thúc chiến tranh, dân số xã Hải Thượng chưa đầy 3.500 người (không tính làng Long Hưng) nhưng có đến 437 liệt sĩ, 292 thương binh. Nếu chia bình quân thì cứ 4,8 người dân có một thương binh, liệt sĩ hoặc 8 người dân có một liệt sĩ, một tỷ lệ rất cao so với tất cả các địa phương trong cả nước.
Ngược dòng lịch sử, xã Hải Thượng đã trải qua bao lần đổi tên, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các làng Đại Nại, An Thái, Ba Khê, Thượng Xá, Long Hưng thuộc tổng An Thái, phủ Hải Lăng (đơn vị hành chính cũ).
Sau Cách mạng Tháng Tám, đơn vị hành chính cấp tổng bị bãi bỏ để thành lập đơn vị hành chính mới cấp xã (làng nào tên xã ấy), các làng nhỏ thì ghép lại như làng Đại Nại, An Thái, Ba Khê thành một xã gọi là xã Đại An Khê. Đầu năm 1946, xã Đại An Khê hợp lại với xã Long Hưng thành xã Hải Long, năm 1947 sáp nhập xã Thượng Xá vào xã Hải Long rồi sau đó đổi tên là xã Hải Thạch (1950), Hải Quang (1951). Sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam đổi tên xã Hải Quang thành xã Hải Thượng (1956). Kết thúc chiến tranh năm 1975, làng Long Hưng được sáp nhập về xã Hải Phú. Xã Hải Thượng còn lại 4 làng: Đại Nại, An Thái, Ba Khê, Thượng Xá.
*
*        *
Nằm sát nách thị xã tỉnh lỵ của Quảng Trị thời bấy giờ, là cửa ngõ ra vào của thủ phủ Quảng Trị về phía nam, nên Hải Thượng được cả địch và ta đặc biệt chú ý. Địch ra sức xây dựng nơi đây thành vành đai an toàn cho thị xã Quảng Trị. Cách mạng thì quyết tâm xây dựng địa bàn đứng chân quan trọng để chỉ đạo mọi hoạt động tại thị xã, tấn công trung tâm tỉnh lỵ đồng thời làm hành lang quan trọng để nối vùng đồng bằng lên vùng giáp ranh và rừng núi phía tây. Chính vì Hải Thượng có vị trí quan trọng và chiến lược như thế nên địch tập trung dùng mọi thủ đoạn để đàn áp phong trào cách mạng nơi đây.
Từ buổi đầu cách mạng, một số thanh niên yêu nước xã Hải Thượng trong đó có cụ Lê Thược đã tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì vậy Hải Thượng đã có các chi bộ Đảng từ rất sớm để lãnh đạo phong trào cách mạng (3-1930). Địch càng đàn áp dã man, phong trào cách mạng của xã càng lên cao và đỉnh cao là tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền vào mùa Thu năm 1945.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kẻ thù đã điên cuồng áp dụng chính sách tàn bạo nhất. Ông nội tôi kể lại: Năm Đinh Hợi (1947) thực dân Pháp đã áp dụng chính sách “ba sạch”: đốt sạch, phá sạch, giết sạch. Xóm làng vắng bóng người qua lại. Ban đêm “chó không sủa, gà không gáy”. Ruộng vườn hoang hoá. Nhân dân cơm không có ăn. Ngày nào cũng có người chết đói, chết vì bệnh tật. Nhiều khi chỉ trong một tháng có đến hàng chục người chết. Gia đình nội tôi cũng vậy. Vì đói khổ quá nên phải đem bán bác ruột tôi cho gia đình một phú nông trong làng. Đến khi ông bà nội tôi đi hỏi vợ cho bác mà bác vẫn chưa được trả về, phải trốn về để cưới vợ. Ông nội tôi có tới năm người con mà vẫn đi ở cho nhà giàu. “Đi ở” là một khái niệm giờ ít người dùng, nhất là thế hệ trẻ bây giờ quen với khái niệm “ôsin” hơn. Công việc đi ở đợ ngày xưa của những nông dân nghèo cùng cực cho nhà giàu là phải làm lụng tất cả công việc nặng nhọc, từ việc đồng áng đến những chuyện bé mọn nhất cho nhà chủ, thời gian bị lệ thuộc nhưng công xá trả rất rẻ mạt. Tuy vất vả là thế nhưng vẫn không đủ nuôi con nên ông nội tôi từng phải tha phương cầu thực sang tận những vùng xa lắc xa lơ bên Lào, bên Thái... Cách mạng Tháng Tám đổi đời cho cả dân tộc, cho quê hương trong đó có gia đình ông bà thân yêu của tôi. Quê tôi lại sớm bước vào cuộc kháng chiến lần thứ nhất với sự tàn phá ác liệt - “Bình Trị Thiên khói lửa ngụt trời”. Địch không từ một thủ đoạn nào đàn áp, tàn sát những người tham gia kháng chiến giữ làng, giữ nước.
Mỗi lần bắt được cán bộ, du kích, địch giết hại ghê rợn hơn cả thời trung cổ. Nhiều người đã bị chúng chặt đầu, như vụ 8 cán bộ du kích xã Hải Thượng gồm đồng chí: Lê Mão, Bùi Phước Sanh, Đào Phượng, Lê Đình Thanh, Trần Tuân, Nguyễn Phàn, Văn Cẩn và Trần Phúc. Tất cả bị chúng bắt đưa về tại rú làng Cu Hoan (xã Hải Thiện) rồi chặt đầu, cắm bêu trên cọc nhằm làm nhụt ý chí đấu tranh và tinh thần kháng chiến. Hai người bác ruột tôi là ông Lê Hồi, ông Lê Chước và chú là ông Lê Sắt bị giặc Pháp ở bốt Qua Lồ (thuộc địa phận xã Hải Quy bây giờ) bắt được, chúng đem qua động cát, đào hầm và chôn sống cả ba ông chỉ cách nhau trong vòng một tháng (25-8-1948 và 25-9-1948).

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tiễn ba đi tập kết - tác giả thứ 2 từ phải vào.
Năm 1954, người Pháp thất bại, Hiệp định đình chiến ở Việt Nam được ký kết (21-7-1954). Nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Bố tôi cũng nằm trong số những người tập kết. Năm đó cũng là năm tôi cất tiếng khóc chào đời. Đế quốc Mỹ thay chân Pháp nhảy vào xâm lược Việt Nam.       
Tuổi thơ tôi đã được khởi đầu như thế. Năm 1954, khi cuộc kháng chiến trường kỳ và ác liệt lần thứ nhất kết thúc, cả dân tộc hân hoan vui mừng, thì cũng vào thời điểm ấy, khúc dạo đầu của cuộc chiến tranh lâu dài và ác liệt nhất trong lịch sử dân tộc cũng bắt đầu. Những ký ức vụn rời của thời thơ dại, những câu chuyện kể từ đất từ làng, và sau này khi đủ lớn khôn để chứng kiến sự hy sinh, chết chóc, đau thương trên mảnh đất quê hương, tất cả đã trở thành những ký ức đời người găm sâu vào tâm khảm. Và tôi mang theo tất cả ký ức quê hương, ký ức về những phận đời ấy đi suốt cuộc đời mình, chưa khi nào nguôi ngoai.
Bắt đầu là chiến dịch “tố cộng” ngày 27-9-1955 tại các làng An Thái, Đại Nại. Địch bắt hàng chục người để tra tấn và vặn hỏi để truy tìm: Cán bộ Việt cộng còn những ai? Ai che giấu Việt cộng? Ai bới cơm cho Việt cộng?... vì chúng biết có một số cán bộ đảng viên được Đảng ta phân công ở lại hoạt động. Chúng bắt dân phải tuyên bố ly khai với cộng sản và treo khẩu hiệu “Không tiếp tế cho cộng sản, không che giấu cộng sản, không liên hệ với cộng sản…”. Gia đình tôi có bố là cán bộ tập kết nên càng bị địch theo dõi và luôn dùng mọi thủ đoạn để “ly khai cộng sản”. Cũng tại thời điểm đó, trong nhà tôi đang che giấu và nuôi dưỡng một số cán bộ cách mạng nằm vùng như các ông Đào Tỷ, Lê Văn Hoan, Lê Cán... Một lần, ông Đào Tỷ bị địch vây ráp trong lúc đang ăn cơm, lợi dụng trời tối, ông Tỷ chạy đến đầu hè nhà ôm khúc gỗ (cục mộc) ném ra giữa sân, địch tưởng là ông Tỷ bị trượt ngã nên lao đến, ông chạy thoát theo hướng khác, thế là gia đình tôi ngay lập tức bị bắt bớ, tra tấn. Lẫm lúa của nhà bị địch đến niêm phong, chỉ cho thóc đủ ăn từng tuần vì chúng sợ mang tiếp tế cho Việt cộng. Địch bắt đầu triển khai các chiến dịch khủng bố: Mọi gia đình có con đi tập kết ra Bắc đều bị ép buộc gọi con về hoặc từ con. Những phụ nữ có chồng tập kết ra Bắc chúng bắt phải bỏ chồng hoặc ép buộc lấy chồng khác. Mẹ tôi lúc đó đang ở tuổi 22, phải chống chọi bao mưu toan của địch, từ dụ dỗ đến đòn roi để chờ chồng, nuôi con và nuôi cán bộ cách mạng. Trong làng, địch lập ra các “liên gia” để dò xét, kiểm tra lẫn nhau, buộc mỗi gia đình phải sắm 4 vật dụng: đèn, cây, dây, mõ. Đèn là đèn trong lồng kính hoặc lồng vào trong vỏ chai thủy tinh do dân tự chế để thắp khi gió bão. Đêm đêm nhà nào phát hiện có Việt cộng vào thì phải hô hoán và kéo đèn lên cây cao để mọi nhà thấy. phần nhiều làm bằng gốc tre già, khoét ruột, đánh kêu rất to. Chúng quy định khi nghe có nhà ai hô hoán Việt cộng vào thì nhà nào cũng phải đánh mõ rồi chạy tới hướng có đèn để đuổi bắt, trói và nộp cho địch. Có nhiều đêm chúng tổ chức báo động giả để xem thái độ của từng nhà. Nhà nào không đánh mõ thì sáng hôm sau bị gọi lên trừng phạt khiến dân làng không đêm nào yên giấc, ai cũng nơm nớp lo sợ. Việc cả làng đánh mõ ban đầu thấy sợ hãi, nhưng quen rồi nghe cũng vui tai vì “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Bên phía ta cũng tổ chức cho dân giả vờ đánh mõ, thoáng thấy con mèo nhảy, con bò sổng chuồng cũng hô hoán Việt cộng và đánh mõ. Thiếu niên chúng tôi lúc đó cũng hẹn nhau “nổi mõ” chơi vui. “Phong trào đánh mõ” cũng đến lúc nhàm, vì khi đánh mõ thì không có Việt cộng, khi không đánh mõ thì Việt cộng về. Địch không hề biết Việt cộng chính là dân, dân chính là Việt cộng. Bởi dân cũng là Việt cộng nên địch có phương châm “giết oan mười người hơn bỏ sót một tên cộng sản”. Chúng đã bắt bớ, chém giết nhiều người vô tội. Sự tàn bạo lên đến đỉnh điểm khi chúng bắt được anh Phan Thanh Giai, người làng Thượng Xá. Sau khi dùng mọi tra tấn cực hình không lung lạc được anh, chúng mổ bụng, moi gan anh Giai đem uống rượu.
Từ cuối năm 1960, Mỹ - Diệm tiến hành chiến lược Chiến tranh đặc biệt, càn quét, dồn dân lập ấp chiến lược. Chúng bắt dân chặt tre rào ấp để làm ấp chiến lược. Mỗi ấp chúng chỉ chừa bốn cổng ở bốn phía đông, tây, nam, bắc để nhân dân ra đồng, nhưng 7 giờ sáng mới mở cổng, 4 giờ chiều khoá cổng và 21 giờ thì thiết quân luật, mọi người chỉ được ngồi trong nhà, không được ra đường. Ấp chiến lược bấy giờ giống như một nhà tù hay trại tập trung vậy. Mỗi thôn đều có lực lượng dân vệ được trang bị súng ống để canh giữ. Địch cũng cài cắm gián điệp, cộng tác viên, mật báo viên để theo dõi, dò xét gắt gao, nhất là những gia đình có chồng, con đi tập kết hoặc thoát ly hoạt động cách mạng. Thời kỳ này Mỹ - Diệm coi ấp chiến lược là “quốc sách chống Cộng”.
Dù địch kềm kẹp như vậy, nhưng phong trào cách mạng Hải Thượng không những không bị dập tắt mà ngày càng phát triển. Các tổ chức thanh niên giải phóng, phụ nữ giải phóng được bí mật thành lập. Một số thanh niên làng An Thái thoát ly tham gia cách mạng như anh Đào Thanh Mai, Hồ Văn Chiến, Hồ Quyết Thắng là những tiếng chuông cảnh báo cho địch. Chúng căm tức và tập trung đàn áp, khủng bố dân làng hàng tuần lễ liền để ngăn chặn phong trào tham gia Việt cộng. Thế nhưng sau đó ít lâu, một số thanh niên vẫn tiếp tục thoát ly tham gia cách mạng như anh Đào Bá Truyền, Đào Xuân Thống, Đào Vẻ, Lê Văn (Vang). Tên các anh đặt là theo bí danh, ghép lại thành: Mai, Chiến, Thắng, Truyền, Thống, Vẻ, Vang cũng để nói lên sự tin tưởng và niềm hy vọng vào thắng lợi tất yếu của cách mạng.
Ký ức tôi còn in rõ hình ảnh một buổi sớm mùa Đông năm 1962, một lá cờ lạ xuất hiện trên cây tre cao chót vót ở làng Ba Khê. Lá cờ nửa xanh, nửa đỏ, giữa có ngôi sao vàng. Ngày ấy nhà tôi ở Nương Trình, mỗi lần đi bộ tới trường phải đi qua làng ngoại tôi - làng Ba Khê, vì ở xa nên tôi thường đi học rất sớm. Sáng đó thấy dân chúng nhốn nháo gọi nhau ra nhìn, không ai hiểu cờ đó là cờ của lực lượng nào. Tôi cũng vậy, vì cờ Việt Minh (cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) là cờ đỏ sao vàng chứ không phải hai màu xanh đỏ. Sau đó đọc truyền đơn cách mạng rải mới biết đấy là cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhân dân ồn ào, đồn đại và tỏ ra phấn khởi. Địch hoang mang nhưng vẫn hùng hổ nhằm trấn an tinh thần.
Ít lâu sau vụ treo cờ Mặt trận, một sự kiện chấn động khác cũng đã xảy ra trên đất làng Đại Nại: Cách mạng về ám sát tên phản bội Lê Ng. lúc đang ngủ trong nhà, gây nên cơn “địa chấn” mạnh trong nội bộ tề ngụy. Sau trận đó, tề ngụy không dám ngủ ở nhà nữa. Đêm đêm, chúng chuồn ra thị xã Quảng Trị ngủ vì sợ ám sát, ngày về "làm việc". Cứ tưởng vào thị xã tỉnh lỵ là yên thân nhưng các cán bộ cách mạng vẫn đóng vai lính “thủy quân lục chiến” của ngụy vào ngay trong lòng thị xã và diệt tên phản động ác ôn khét tiếng Phan Thanh Đ. Địch hoang mang tột độ, không biết trốn đâu cho thoát. Đêm, bọn chúng ra thị xã ngủ, ban ngày về kềm kẹp nhân dân thì bị ta tổ chức diệt ác giữa ban ngày như: Nguyễn Đ., Hồ T., Phan C., Nguyễn T. và bắt một số tên khác, với phương châm "đánh một cái, vái cả chợ". Bọn tề ngụy hoảng sợ, ách kềm kẹp được nới lỏng, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên bám đất, bám dân, phát triển lực lượng để chuẩn bị cho phong trào đồng khởi nông thôn, đồng bằng và phá tan ấp chiến lược. Thế rồi chỉ trong một đêm tháng 7-1964, nhân dân Hải Thượng không kể trẻ, già, trai, gái tham gia đồng khởi, phá tan ấp chiến lược, lập chính quyền cách mạng tự quản của các thôn. Nhiều thanh niên sau đó thoát ly tham gia cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang xã và bổ sung quân cho huyện, tỉnh. Trận đánh đầu tiên trong lịch sử chống Mỹ của địa phương là trận đánh vào trụ sở xã Hải Thượng. Nơi đó ngụy quyền thường co cụm về ngủ, được vây bọc bởi các lớp hàng rào dây kẽm gai kiên cố và một trung đội lính nghĩa quân có súng ống đầy đủ canh phòng.
Đúng 11 giờ đêm 23-3-1965, quân ta bao vây chặt, ném bộc phá, phá hàng rào và đánh vào trụ sở xã tiêu diệt 25 tên, bắt sống 2 tên địch, thu toàn bộ vũ khí về trang bị cho du kích địa phương. Ngụy quân, ngụy quyền "bạt vía kinh hồn" nhưng vẫn vô cùng ngoan cố, mở các đợt thanh lọc, càn quét hòng dập tắt phong trào và tiêu diệt lực lượng cách mạng. Nhưng nhân dân Hải Thượng không hề nao núng, tiếp tục nuôi dưỡng, che chở cán bộ, bộ đội, có lúc lên đến cả trăm người. Những gia đình có con đi lính ngụy bị chết trận tham gia biểu tình đòi chính quyền ngụy bồi thường, những gia đình có con bị bắt đi quân dịch thì đòi trả con, học sinh thì tham gia với thanh niên các xã biểu tình đòi "Mỹ cút". Lực lượng du kích càng phát triển mạnh, kết hợp với lực lượng vũ trang huyện đánh nhiều trận, diệt nhiều tên địch, mở rộng vùng giải phóng.
Tuy ở sát nách thị xã tỉnh lỵ Quảng Trị nhưng có những làng như Ba Khê, xóm Rôộc, xóm Đầu của làng Đại Nại, xóm Trong của làng An Thái,  phía hạ làng Thượng Xá... ta làm chủ cả ngày lẫn đêm. Có xóm ta làm chủ buổi chiều và đêm, một số xóm ở sát đường quốc lộ, gần địch nên ta chỉ làm chủ được ban đêm. Địch về, ta tổ chức chống càn. Có khi vài tháng liền địch không vào được làng, xóm, chỉ khi nào có quân chủ lực với các cuộc "hành quân" lớn may ra thâm nhập được, nhưng không thể tìm thấy một mống Việt cộng nào vì nhân dân đã che giấu dưới hầm bí mật.
Năm 1967, tôi cũng bắt đầu được giao nhiệm vụ cách mạng, lập Đội Thiếu niên tiền phong nhân dân cách mạng làng Ba Khê và làm đội trưởng. Tuổi nhỏ nhưng chúng tôi làm những việc không nhỏ, như việc che giấu cán bộ khi địch càn quét, cắm chông, gài mìn, rải truyền đơn...
Trước sự phá sản chiến lược chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Chúng ồ ạt đổ quân vào miền Nam có lúc lên đến nửa triệu quân Mỹ cộng với 70 vạn quân ngụy. Thời điểm đó ở chiến trường Quảng Trị, các loại máy bay từ phản lực đến trực thăng, “rọ”, “gáo”; từ máy bay do thám OV10 đến máy bay đầm già L19, lúc nào cũng “thường trực” trên trời. Bầu trời có lúc giăng rền các đội quân "kỵ binh bay" hung hăng đánh phá, càn quét vùng đồng bằng, trong đó Hải Thượng là một trọng điểm. Địch tung thám báo, tổ chức gián điệp thâm nhập. Đêm thì tổ chức tập kích, phục kích, không tuần nào không có tiếng súng nổ, cứ mỗi lần nghe tiếng súng nổ, không một người dân Hải Thượng nào không nóng lòng vì lo cán bộ bị hy sinh, dân nơi đây thương yêu cán bộ như con cái mình.
Càn quét, lùng sục tìm hầm bí mật, bắn giết được cán bộ cách mạng chúng chưa cho gia đình mai táng, mà đem bêu riếu. Tôi còn nhớ một hôm đi học về nghe tin có Việt cộng bị bắn chết. Chạy qua mấy ngõ làng, tôi ào vào xem và nhận ra hai người bị hy sinh là anh Đào Thất và anh Bùi Kéc. Khi bị địch quật hầm bí mật, các anh đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi tự mở bộc phá hy sinh. Tại thời điểm đó, chủ trương của ta nếu bị lộ thì "tự sát" không để địch bắt. Về sau, vì chuyện “cảm tử” nhiều quá nên ta thay đổi chủ trương là khi bị lộ hầm bí mật thì nhảy lên chiến đấu và tìm cách thoát chạy. Nếu bị bắt thì kiên quyết không khai báo gây tổn thất cho cách mạng, cho phong trào. Hai anh Đào Thất và Bùi Kéc hy sinh. Địch bắt dân khiêng hai anh lên để ngay bên đường quốc lộ số 1, trước trụ sở ngụy quyền xã Hải Thượng để cho mọi người qua lại xem. Tiếp đến trường hợp cậu tôi - Bùi Từ (Thu Lan) hy sinh, chúng mang ra vứt xác bên đường ở làng Thạch Hãn, phía trong hàng rào thị xã Quảng Trị vì chúng sợ về đêm ta đến đưa về chôn cất. Chúng để xác ven đường như vậy để trấn áp, khủng bố nhân dân, vài ngày sau mới cho gia đình nhận về mai táng.
Cũng như nhiều vụ bị khui hầm khác, nhưng xúc động, bi tráng nhất là vụ chị Nguyễn Thị Lê (Bảy), và ba anh Hồ Hách (Thương), Đào Tụ (Hải), Phan Xích (Niên) vào mùa hè năm 1969 bị gián điệp chỉ điểm, địch cho binh lính bao vây quật hầm bí mật tại Rú Cấm. Trong tình thế đó, các anh chị thay nhau đứng lên ngay cửa hầm để chiến đấu, người trước hy sinh, người sau kéo người trước xuống và tiếp tục đứng lên chiến đấu, cố kéo dài thời gian để người còn lại kịp huỷ hết tài liệu. Cuộc chiến đấu không cân sức khiến các anh chị lần lượt hy sinh nhưng địch không tìm được một chút bí mật nào. Căm tức quá, chúng lột hết áo quần, đưa xác các anh chị ra vứt ở bên đường quốc lộ 1A đoạn ngã ba Long Hưng đến vài ngày.
Tuy địch có gây khó khăn lớn cho ta, nhưng cán bộ, đảng viên vẫn bám đất, bám dân hoạt động và đánh Mỹ, diệt ngụy, mở rộng vùng giải phóng, tập trung phá huỷ cầu cống để hạn chế sự di chuyển của địch. Không phương cách chống đỡ, chúng nghĩ ra âm mưu bắt những gia đình có con thoát ly làm cách mạng, bố, mẹ hoặc vợ đêm đêm phải ngủ ở bên các cây cầu trên đường quốc lộ 1 để "giữ" cầu cống. Địch nghĩ rằng một khi làm như thế, quân ta sẽ không dám đánh vào các mục tiêu này vì có người thân mình ngủ ở đó, mặt khác cách thức này nhằm hành hạ những gia đình có con em tham gia cách mạng. Chúng chia ra các cầu cống, mỗi cầu cống có một vài gia đình đến ngủ, không có lán trại, những ông già bà lão cho đến chị em phụ nữ đều chung cảnh "màn trời chiếu đất". Giữa đêm đông, gió rét, chỉ một tấm nilông và tấm chăn chiên. Bà ngoại tôi tuy đã ngoài 60 tuổi nhưng đêm nào cũng bị địch bắt đi “gác cầu” vì cậu ruột tôi là Bùi Từ (Thu Lan), một chiến sĩ cách mạng quả cảm mà địch đang truy lùng và tìm mọi cách để sát hại.
Dù khổ cực, áp bức đến vậy nhưng lòng dân vẫn một niềm tin tất thắng. Những ngày giáp Tết Mậu Thân 1968, nhân dân Hải Thượng chuẩn bị lương thực, thực phẩm và che giấu cho gần ngàn cán bộ, bộ đội về đóng quân để tổng công kích thị xã Quảng Trị. Một không khí hào hứng, rạo rực lan nhanh trong xã, nhân dân quên ăn, quên ngủ chờ giờ nổ súng, chờ đón nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ kính yêu. Mỗi năm dịp Tết cổ truyền dân tộc đến, đón nghe thơ chúc Tết của Bác là niềm động viên tinh thần vô giá. Thơ chúc Tết của Bác có sức cổ vũ lớn lao cho quân dân, thể hiện tình cảm của Bác với đồng bào cả nước. Những câu thơ ấy còn là tư tưởng chỉ đạo cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Bên chiếc rađiô nhà hàng xóm, chúng tôi ngồi lắng nghe thơ Bác. Giọng Bác không khoẻ như những năm trước, nhưng có một sức mạnh truyền cảm phi thường:
"Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên toàn thắng ắt về ta!".
Cán bộ, du kích xã tất bật công việc chuẩn bị. Các đoàn thể cách mạng, nhất là các chị em phụ nữ lo giúp đỡ hậu cần và thăm hỏi, động viên bộ đội đánh thắng. Những thanh niên là học sinh đang học tại tỉnh lỵ hăng hái tham gia dẫn đường cho bộ đội vào thị xã. Tôi dù không được dẫn đường cho bộ đội vì còn nhỏ quá, năm đó tôi mới 14 tuổi, nhưng cũng hăng hái tham gia làm giao liên, chạy như con thoi để chuyển tin tức, được đi theo "mấy chú giải phóng". Mùa xuân Mậu Thân ấy, lần đầu tiên trong đời tôi được “mấy chú giải phóng” cho bắn mấy loạt đạn AK chỉ thiên để thị uy. Không khí mùa xuân năm ấy dường như sôi động hơn bao giờ hết, thậm chí có phần lạc quan thái quá vì suy đoán "Tiến lên toàn thắng ắt về ta" qua câu thơ của Bác, nên khi địch phản kích, ta có phần lúng túng, tổn thất, phong trào lại gặp khó khăn.
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã giáng cho địch một đòn quyết định vào chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ - ngụy, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom ở miền Bắc vô điều kiện, chấp nhận ngồi vào đàm phán tại Pari thủ đô nước Pháp. Đế quốc Mỹ xuống thang chiến tranh nhưng không chịu từ bỏ âm mưu thống trị miền Nam Việt Nam. Chuyển sang chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh, Mỹ rút quân đội về nước nhưng vẫn dùng tiền Mỹ, máy bay, xe tăng và cố vấn quân sự Mỹ cộng với quân đội Sài Gòn thực thi chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”.
Lại nói về xã Hải Thượng quê tôi, kể từ sau Tết Mậu Thân, địch khoanh vùng đánh phá ác liệt hơn bao giờ hết. Chúng tập trung bao vây, thanh lọc và xăm tìm hầm bí mật. Tháng 12-1968, vào một sáng tinh mơ, khi tiếng gà đang gáy sáng, một số cán bộ chưa kịp xuống hầm bí mật, ba tiểu đoàn kỵ binh bay của Mỹ, hai tiểu đoàn chủ lực ngụy và 20 xe tăng cùng hai đại đội lính Bảo An, một đội lính “bình định” xuất hiện vây quanh các làng. Lính Mỹ vòng ngoài, lính ngụy vòng trong, cả hai vòng đều khép kín. Máy bay bay trên bầu trời bắc loa kêu gọi Việt cộng đầu hàng, bọn “bình định”, nghĩa quân, kết hợp với ngụy quyền thôn xã vào bắt dân phải mang cơm gạo lên tập trung ở trụ sở xã để "học tập chính sách bình định” trong một tháng. Không còn một cán bộ, chiến sĩ nào sống được trong vòng vây của chúng, đấy là mục đích nhằm tách dân ra như “tát nước bắt cá”, để ở Hải Thượng không còn dân nuôi cán bộ, không người bới cơm, không ai đậy nắp hầm bí mật che giấu cán bộ. Địch cũng bắt dân chặt hết cây cối, làng xóm đìu hiu trơ trọi, đứng đầu làng có thể nhìn thấu suốt đến tận cuối làng. Ngày ngày, từng tốp lính tổ chức xăm lùng từng tấc đất để tìm hầm bí mật. Mặc dù cán bộ, du kích xã Hải Thượng đã nhận định tình hình và chuyển lên căn cứ ở rừng 40 người, chỉ cử ở lại một số, nhưng tổn thất sau đợt Mậu Thân là rất lớn. Hầu hết hầm bí mật bị "khui", nhiều cán bộ hy sinh hoặc bị bắt. Nhân dân thì bị phân loại, ai bị tình nghi "thân cộng" thì bị tra tấn đánh đập, có người còn bị chúng bắn giết vì tội “thân cộng” hoặc không khai báo.
Năm ấy ở mỗi xã chúng tăng cường một trung đội lính Mỹ bên cạnh trung đội nghĩa quân của ngụy gọi là “trung đội kép". Chúng tôi đi học, tuy còn nhỏ nhưng lính Mỹ vẫn thường dương súng chặn hỏi "V.C.?” (Việt cộng?). Một số thiếu niên trong làng học Trường trung học công lập Nguyễn Hoàng, đầu cấp II phải học môn tiếng Anh hoặc tiếng Pháp (môn bắt buộc), vì căm thù Mỹ nên tôi và một số bạn bè trong làng không chịu học tiếng Mỹ (tiếng Anh) mà học tiếng Pháp (đúng là một nhận thức hồn nhiên đến ngây thơ của thời bấy giờ). Dù không học tiếng Anh nhưng đứa học trò nào cũng phải học thuộc câu "No V.C." (không phải Việt cộng), "I'm pupil" (tôi là học sinh) để trả lời mỗi khi lính Mỹ hỏi, rồi đưa thẻ học sinh ra chúng mới cho đi, thế mà cũng có một thiếu niên trong làng bị chúng bắn chết.
Vì sợ dân tiếp tế cho Việt cộng, địch đến tận từng nhà niêm phong các chồ, lẫm[1] lúa. Người dân phải mang lúa qua động cát, đào hầm rồi chôn lúa xuống dưới cát, khoảng mười ngày một lần, đợi đêm xuống bới lúa lên mang đi xay ăn. Vì lúa trộn cát, cát lẫn lúa nên phải sàng kỹ trước khi xay giã. Nhà tôi ở gần động cát trắng nhưng muốn đến đó phải lội qua sông Nhùng. Đêm đêm, ông nội, bác và mẹ tôi phải chèo thuyền chở lúa qua động cát để chôn. Làm ra hạt lúa đã vất vả, phải bí mật đưa đi chôn, rồi bí mật đào bới lên để có cái ăn còn vất vả hơn, thế mà hồi đó trong nhà không lúc nào không có cán bộ, có lúc lên đến chục người.
Bước qua năm 1969, cũng là năm tôi được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Việt Nam (miền Nam), cũng là lúc phong trào phát triển mạnh. Cán bộ, du kích bám trụ để phát động phong trào và tổ chức đánh địch. Cũng năm đó, Mỹ - ngụy tiến hành thực hiện chương trình "Bình định đặc biệt". Đây là cuộc phản công điên cuồng nhất, quyết liệt nhất của Mỹ - ngụy chủ yếu bằng sức mạnh quân sự vào trận địa nông thôn. Đấy là cuộc chiến tranh giành dân, với những biện pháp cực kỳ dã man, thâm độc và nham hiểm, gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất. Nhiều cán bộ, đảng viên bị địch bắt, nhiều cơ sở bị bại lộ, có thời điểm như vào cuối năm 1969, số người xã Hải Thượng bị địch bắt giam chiếm đến 1/4 nhà lao Quảng Trị (khoảng 50 người). Chỉ riêng gia đình tôi đã có hai người: mẹ tôi, và tôi cũng bị bắt vào thời điểm đó.
Địch o ép dân không được bao lâu, quyết theo chỉ thị của Trung ương, ta quyết tâm đánh bại chương trình bình định của chúng. Vừa tiến hành du kích chiến tranh, vừa tiến hành tập kích vào các căn cứ quân sự, đặc biệt là cuộc tập kích tiêu diệt 300 tên lính bình định về dự "Hội nghị đặc biệt” để tiếp tục triển khai chương trình “Bình định đặc biệt” tại làng Tam Hữu, Xuân Dương (Triệu Phong) đã làm cho địch hoang mang, dao động, thu hẹp phạm vi, tạo điều kiện cho cán bộ cách mạng về hoạt động. Trên địa bàn Hải Thượng vào những năm 1968, 1969, 1970, rất nhiều lực lượng đứng chân như cán bộ của Khu ủy và Quân khu Trị Thiên, thị Quảng Hà (thị xã Quảng Trị và Đông Hà), huyện Triệu Phong, Hải Lăng; cán bộ các xã Hải Quy, Hải Xuân cũng lên đây ẩn nấp, tối về các địa bàn để hoạt động.
Sau thắng lợi của Mặt trận đường 9 - Nam Lào năm 1971, đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy, hàng trăm xe tăng, pháo cối bị hư hỏng kéo về vứt la liệt ở thị xã Quảng Trị cùng với các đám tàn binh. Chứng kiến cảnh đó, quần chúng nhân dân vô cùng phấn khởi. Lại một lần nữa các đoàn thể cách mạng tổ chức cho các gia đình có người thân đi lính, bịt khăn tang cùng với hàng trăm, hàng ngàn người từ các xã lân cận kéo về huyện lỵ, tỉnh lỵ đòi xác chồng con bị chết trận, đòi trả con về, đồng thời tuyên truyền chính sách khoan hồng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và chủ trương của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam nên nhiều binh lính ngụy đã bỏ hàng ngũ của địch tìm về vùng giải phóng, xin đi theo cách mạng. Phong trào đòi tìm xác người thân chết trận của các gia đình binh sĩ ngụy cũng đã có tác động tích cực, làm lung lay tận gốc hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn tại Quảng Trị.
Thời cơ đến, Bộ Chính trị Trung ương chủ trương giải phóng Trị - Thiên, trước mắt giải phóng Quảng Trị (mức I). Ngày 30-3-1972, cuộc tiến công chiến lược giải phóng Quảng Trị bắt đầu. Tình hình diễn biến hết sức nhanh chóng, bọn Mỹ - ngụy bất ngờ bị ta giáng những đòn sấm sét, thất bại và tháo chạy. Quân dân Hải Thượng chặn đánh cắt đứt đường giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua cầu 4 thước (cầu dài 2) và quốc lộ 1 cũ đoạn qua cầu Nhùng, bắt sống được 480 tên địch, thu 1.380 súng các loại và thu được hàng chục khẩu pháo, hàng trăm xe quân sự và hàng trăm máy thông tin. Xác địch chết ngổn ngang trên đường quốc lộ, nên đoạn đường nơi đây địch gọi là "đại lộ kinh hoàng".
Tháng 6-1972, địch tập trung lực lượng tái chiếm Quảng Trị, nhưng chỉ tái chiếm được huyện Hải Lăng, một số xã của huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Tôi cùng một số đồng chí khác phải đưa dân sơ tán ra vùng giải phóng, sau đó một số cán bộ được cử trở lại bám trụ tại quê nhà cho đến ngày Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết.
Hiệp định Pari được ký kết. Quảng Trị có vùng đất thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời khá rộng kéo dài từ bờ bắc sông Thạch Hãn nối liền với miền Bắc xã hội chủ nghĩa và Trung Lào.
Đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố tiếp tục chiến tranh hòng biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Cán bộ du kích xã Hải Thượng lại tiếp tục đi “phía trước” - tức là đi vào vùng bị tạm chiếm, để hoạt động và phối hợp với các lực lượng để đánh địch, giải phóng phần đất quê nhà. Đêm 18 rạng ngày 19-3-1975 xã Hải Thượng được giải phóng và đến 18 giờ ngày 19-3-1975, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng.
Kết thúc chiến tranh, nhân dân Hải Thượng nô nức trở lại quê nhà, dựng nhà tạm, rà phá bom mìn, khai hoang, phục hoá, tăng gia sản xuất xây dựng lại quê hương.
Thật khó để nói hết lịch sử một miền quê như Hải Thượng trong một chương ký ức nhỏ nhoi như thế này. Nhưng cho dù thế nào thì từng con dân của Hải Thượng vẫn tâm nguyện sống xứng đáng với máu xương người ngã xuống, xa hơn, là xứng đáng với tiền nhân từ buổi sơ khai đã lặn lội băng truông dài, trảng rộng đến đây gây dựng cơ nghiệp mai sau cho con cháu.
Trong những mảnh ký ức về quê nhà Hải Thượng có sự đóng góp của những dòng tộc lưu dân đã đến lập nghiệp nơi đây từ mấy thế kỷ trước. Tôi muốn nói đến gốc gác của dòng họ Lê Đại của chúng tôi, từ truyền thống gây dựng của ông cha, đến những gì cháu con đã nuôi dưỡng tận hôm nay và mai sau…
 


[1]. Cái để đựng lúa.

Tác giả bài viết: Lê Hữu Thăng

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: quê hương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn