17:39 ICT Thứ ba, 23/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Quốc tế

10 sự kiên thế giới năm 2015

Thứ năm - 31/12/2015 10:09
           

  2015 là năm thế giới trải qua quá nhiều bất ổn, từ làn sóng khủng bố, các cuộc không kích chống khủng bố, sự tranh giành địa chính trị giữa các nước lớn ở các khu vực Trung Đông, Châu Phi, trên Biển Đông, làn sóng người di cư... Tuy nhiên giữa sự loạn lạc vẫn còn hy vọng khi chứng kiến những nỗ lực để đem tới hòa bình, đoàn kết, phát triển cho thế giới. 10 sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2015 dưới đây do Báo Lao Động bình chọn. 

 

 

 

 
     

 1. Làn sóng khủng bố kéo dài suốt năm: Được nhắc đến đầu tiên là nước Pháp, mở màn năm mới  2015, vụ thảm sát của các tay súng ở tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris, tiếp đó, vụ đánh bom và nổ súng đồng thời ở 6 địa điểm tại Paris và khu vực lân cận hôm 13.11. Đánh bom, tấn công khủng bố cũng diễn ra ở nhiều nước khác ở các châu lục:  Mỹ,  Mali, Nigeria, Ai Cập, Syria, Iraq, Aftghanistan... Nổi lên là nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS,  các nhóm khác như Boko Haram, al Nusra Front, Houthi, trong khi al-Qaeda và Taliban vẫn hoạt động tích cực. IS với sự tàn bạo đã thay đổi chiến thuật khi  kêu gọi người Hồi giáo cực đoan tiến hành các vụ tấn công đơn lẻ, nhằm vào không chỉ các nước phương Tây mà cả Nga, Israel và nhiều nơi khác trên thế giới.

2. Nga can thiệp vào Syria: Được xem là một bất ngờ trong năm, việc Nga can thiệp vào Syria hầu như không được các nhà lãnh đạo Nga "gióng" trước hoặc phương Tây dự báo trước,  gần như Nga chỉ dành cho thế giới một thời gian ngắn để chuẩn bị tinh thần cho việc này. Ngày 30.9.2015 Nga bắt đầu không kích chống khủng bố ở Syria. Việc này dẫn tới mâu thuẫn lớn giữa Nga và phương Tây, thậm chí có lúc che phủ cả mục tiêu chung là chống khủng bố. Phương Tây muốn lật đổ Tổng thống Syria  Bashar al-Assad, trong khi Nga khẳng định các cuộc không kích của họ là duy nhất hợp pháp vì được ông Assad đề nghị, và ông Assad là đồng minh không thể thiếu trong cuộc chiến chống khủng bố, tương lai Syria phải do người dân Syria quyết định. Không có sự điều phối chung giữa Nga và  phương Tây trong cuộc chiến này, dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga ở Syria, khiến quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sụp đổ . 

3. Cuộc khủng hoảng người di cư: Khủng bố, chiến tranh khiến làn sóng người di cư từ Iraq, Syria và các nước khác trong khu vực vượt biển tràn sang Châu Âu. Tháng 9.2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Đức sẵn sàng tiếp nhận 800.000 người di cư trong năm 2015 khiến dòng người di cư gia tăng đột ngột. Hàng nghìn người bỏ mạng trên biển. Châu Âu đối mặt với áp lực khủng khiếp vì dòng người di cư, gây mâu thuẫn trong chính mỗi nước và giữa các nước trong khối trước câu hỏi "tiếp nhận hay không tiếp nhận", với những bài toán về kinh tế, xã hội, an ninh, trong đó có nguy cơ trà trộn của khủng bố. Vụ tấn công hàng loạt ở Paris do những tay súng và chủ mưu là thành viên IS xâm nhập vào Châu Âu trong dòng người di cư. 

4. Vấn đề Biển Đông: Trung Quốc tiếp tục các hoạt động bất hợp pháp bồi đắp tôn tạo đảo chìm thành đảo nổi, xây đường băng và cơ sở hạ tầng khác trên các đảo này với ý đồ được cho là quân sự hóa các đảo, xây dựng căn cứ nổi trên Biển Đông. Nhưng  Mỹ đã thể hiện rõ thái độ phản đối các hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, thể hiện sự ủng hộc của Mỹ với tự do hàng hải  bằng việc đưa máy bay, tàu chiến tuần tra gần các đảo nhân tạo,  vào cả khu vực 12 hải lý từ các đảo nhân tạo này. Australia cũng xác nhận đã bay tuần tra  và tiếp đó Nhật Bản, Ấn Độ cũng tuyên bố sẽ tiến hành những hoạt động tương tự,  thách thức tham vọng chế ngự Biển Đông của Trung Quốc. Cũng không thể không kể đến việc Tòa Trọng tài Quốc tế đã có những phán quyết đầu tiên ủng hộ Philippines được đi tiếp trong vụ kiện "đường lưỡi bò" vô lý của Trung Quốc.

5. Giá dầu giảm sâu: Có lẽ không nước nào lường trước được sự sụt giảm của giá dầu trong năm qua. Dự đoán ban đầu nói giá dầu loanh quanh mức 60 USD/thùng, nhưng thực tế đã giảm xuống còn 35 - 36 USD/thùng, có lúc xuống 32 USD.  Trong cả năm 2015, giá dầu đã giảm tổng cộng khoảng 30% so với đầu năm. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC không nhất trí cắt giảm được sản lượng, trong khi Mỹ phát triển ngành công nghiệp sản xuất đá phiến từ năm 2014 đã tạo ra nguồn dầu mới  chiếm lĩnh thị trường của OPEC. Dự kiến giá dầu thế giới còn tiếp tục đà giảm sâu trong năm 2016. Năm qua kinh tế thế giới còn bị ảnh hưởng không nhỏ bới hai sự kiện khác: Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất. 

6. Thỏa thuận hạt nhân Iran: Sau 12 năm đàm phán căng thẳng đến tận phút cuối, tháng 7.2015, Iran cùng 6 cường quốc thế giới là Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức đã đạt được thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực vào giữa tháng 1.2016, yêu cầu Iran từ bỏ các chương trình hạt nhân nhạy cảm để đổi lấy việc nới lỏng và xóa bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt của phương Tây. Iran hy vọng thỏa thuận này sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế đất nước sau nhiều năm bị bế quan tỏa cảng, gia tăng lợi thế cho chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani trước tổng tuyển cử đầu 2016.  Tuy nhiên 2 bên vẫn còn nhiều nghi kỵ và cần nhiều nỗ lực để kiểm soát việc thực hiện các thỏa thuận này. 

 7. Cộng đồng ASEAN được thành lập: Đây là dấu mốc  bước phát triển mới quan trọng của ASEAN, thể hiện ý chí, nguyện vọng và nhận thức chung của các quốc gia thành viên về sự cần thiết phải nâng cao sự gắn bó và liên kết để tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi. ASEAN trở thành cộng đồng cũng nâng uy tín và vị thế của cả khối trong việc đối thoại với các đối tác và xây dựng luật chơi chung trong khu vực và trên toàn thế giới. Với một thị trường rộng lớn hơn 600 triệu dân, với sức vươn lên để vào năm 2050, ASEAN sẽ trở thành khu vực phát triển kinh tế thứ tư, hay là khu vực thương mại lớn thứ tư thế giới. Việt Nam đã đóng góp tích cực vào quá trình hình thành Cộng đồng.

8. Thỏa thuận COP21 và chương trình nghị sự phát triển bền vững của LHQ: Gần 200 quốc gia tham gia  đàm phán căng thẳng ở Paris trong 2 tuần và hôm 12.12  đạt được thỏa thuận đầu tiên trong đó tất cả các quốc gia đều cam kết cắt giảm phát thải, nhằm làm giảm sự ấm lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C.  Thỏa thuận này bắt buộc về mặt pháp lý một phần và một phần là tự nguyện, và sẽ có hiệu lực vào năm 2020. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi thỏa thuận COP21 "là cơ hội tốt nhất chúng ta có để cứu hành tinh duy nhất mà chúng ta có" - Tổng thống Mỹ Barack Obama nói. Các nước phát triển đồng ý đóng góp 100 tỉ mỗi năm quỹ tài trợ khí hậu cho các nước đang phát triển đến 2020 với cam kết tài trợ tiếp theo trong tương lai. Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ tại New York ngày 25.9, các quốc gia đã chính thức thông qua Chương trình nghị sự Phát triển bền vững toàn cầu năm 2030, bao gồm 17 mục tiêu đầy táo bạo nhằm đạt được ba thành tựu "phi thường," đó là chấm dứt đói nghèo, đấu tranh với tình trạng bất bình đẳng và vô luật pháp, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng đây là một chương trình nghị sự "vì sự chia sẻ thịnh vượng, hòa bình và hợp tác", cam kết "không có ai bị bỏ lại phía sau". 

9. Hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương: Ngày 5.10.2015, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cùng các nhà đàm phán 11 nước khác tham gia tiến trình đàm phán TPP đã đạt được thỏa thuận cuối cùng. TPP sẽ tạo ra khối tự do thương mại lớn nhất thế giới và chiếm tới 40% sản lượng kinh tế toàn cầu và bổ sung cho thế giới thêm gần 300 tỉ USD GDP mỗi năm.  TPP lại được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21.

 10. Động đất lớn tại Nepal: Hai trận động đất mạnh 7,8 độ richter (ngày 25.4) và 7,3 độ richter (ngày 12.5.2015), làm chấn động gần như toàn bộ đất nước Nepal, khiến 8.964 người chết và 22.000 người bị thương. Khoảng 8 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó 1,4 triệu người cần được hỗ trợ về lương thực. Một phần các di sản văn hóa được xếp hạng thế giới của Nepal bị chôn vùi. Hàng trăm người leo núi bị mắc kẹt trên đỉnh Everest, trong đó có các công dân Việt Nam, tuy nhiên may mắn là các du khách Việt Nam đều thoát chết, trở về an toàn. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: nbsp nbsp, thế giới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn