14:55 ICT Thứ năm, 25/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức - sự kiện » Sự kiện

Kỷ niêm 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS HCM ( vào đây)

Thứ ba - 22/03/2016 14:44
             
Từ buổi kết nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Miền Nam diễn ra tại một ngôi nhà của cơ sở bí mật giữa cánh đồng làng năm 1969 đến những năm tháng hoạt động công tác Đoàn sau này là những kỷ niệm đẹp đẽ, sâu sắc và có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời tôi. Có lẽ bởi vậy nên như nhiều cán bộ Đoàn khác, dù khi đã chuyển công tác hay nay đã nghỉ hưu, những đam mê và trăn trở với các hoạt động của tuổi trẻ luôn thường trực. Trước thềm kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn, đến tham gia Lễ ra quân Tháng Thanh niên của Đoàn Thanh niên tỉnh và Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho thân nhân bệnh nhân nghèo của Hội Doanh nhân trẻ, tôi như thấy lại sức sáng tạo mãnh liệt từ ngọn lửa và ý chí tuổi trẻ gần 40 năm trước trên công trường Đại thuỷ nông Nam Thạch Hãn và có một niềm vui nồng ấm dâng trào khi cảm thấy “mình cũng còn máu Đoàn Thanh niên đấy chứ”!
 
 
                                                                           

* Đồng chí Lê Hữu Thăng, Nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Bình Trị Thiên (1986 -1989), Nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị (1989 -1990):  Sức sáng tạo mãnh liệt từ ngọn lửa và ý chí của tuổi trẻ
 
Tháng 5-1979, tôi có quyết định làm Bí thư Huyện đoàn Triệu Hải. Những năm tháng ấy, phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động – “xung kích” trong lao động sản xuất, “xung kích” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và “xung kích” trong học tập - diễn ra vô cùng sôi nổi khắp cả nước. 
Trong lao động sản xuất, nổi bật là phong trào thanh niên rà phá bom mìn, làm giao thông, làm thủy lợi. Ngoài làm thủy lợi nội đồng, đắp đập xây dựng hồ chứa nước, hàng ngàn thanh niên đã hăng hái tham gia xây dựng công trình Đại thủy nông Nam Thạch Hãn. Đây là công trình thuỷ lợi lớn nhất theo thiết kế để tưới cho cánh đồng Triệu Phong, Hải Lăng và có một phần của huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Công trình bắt đầu khởi công ngày 8-3-1977, là công trình có thời gian khảo sát, thiết kế nhanh nhất và được thi công sớm nhất của miền Nam sau ngày giải phóng. Đây cũng là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Trị Thiên và là công trình đầu tiên của Bộ Thủy lợi ở miền Nam.
Là công trình trọng điểm nhưng chủ yếu là lao động thủ công và có lúc đã huy động đến 2,3 vạn lao động, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên của tất cả các huyện, thị xã, thành phố tham gia. Riêng huyện Triệu Hải huy động đến 7.300 lao động tham gia. Phương tiện lao động chỉ là các dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, gồng gánh, trạc dắc để làm đất.  Đại thủy nông Nam Thạch Hãn ngày ấy đúng là một đại công trường thủ công có quy mô lớn nhất, được tổ chức khá chặt chẽ theo hình thức quân sự hóa. Tuy quân số không bằng nhau nhưng lực lượng mỗi huyện đều được tổ chức thành một sư đoàn như: Sư đoàn Triệu Hải, Bến Hải, Hương Điền, Hương Phú, Phú Lộc, Lệ Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Nam Đông, thị xã Đông Hà, Đồng Hới và thành phố Huế. Có tổ chức đảng và đoàn thanh niên. Lao động lên công trường nếu là đảng viên, đoàn viên thì đều được chuyển lên sinh hoạt tại các sư đoàn. Đó cũng là động lực thúc đẩy các phong trào thi đua. Có rất nhiều người được kết nạp vào Đoàn, vào Đảng qua lao động tại công trường.
Hằng tháng, chính quyền, đoàn thể các cấp tổ chức lên thăm hỏi, động viên, có khi còn “treo” các giải thưởng để thi đua làm vượt khối lượng nên đã tạo ra không khí thi đua chưa từng có trong lịch sử ở địa phương. Không chỉ lao động hăng say mà phong trào văn hóa, văn nghệ cũng vô cùng sôi nổi, đi đến đâu cũng nghe tiếng hát, tiếng đàn. Vừa lao động, vừa thay nhau lên hát qua loa phát thanh để cho cả đơn vị đang thi công trên công trường nghe. Định kỳ, công trường còn tổ chức hội diễn văn nghệ với các sáng tác tự biên, tự diễn để ca ngợi tinh thần hăng say lao động. Hoạt động này đã kịp thời động viên lao động làm việc quên mình, cho nên mặc dù khó khăn, gian khổ vì khẩu phần ăn không đủ no, ở trong lán trại đơn sơ, lao động thỉnh thoảng còn gặp hiểm nguy do bom mìn sót lại trong lòng đất, không có tháng nào không có vụ nổ gây thương vong, có tháng có đến vài vụ (đến khi làm xong công trình có đến 150 người chết và bị thương), nhưng tinh thần người lao động không hề nao núng, vẫn hăng hái lao động quên mình.
Chính vì vậy, chỉ chưa đầy 3 năm mà đã làm được 16,4 km kênh chính với chiều rộng từ 12m đến 5m (đoạn cuối kênh), thành một con sông nhân tạo chảy ngang giữa cánh đồng Triệu Hải. Kênh cấp I gồm các kênh N1, N2, N3, N4, N5, N6 dài đến 67 km. Các kênh cấp II dài gần 64 km, đã đưa nước về tưới cho gần 9.000 ha lúa vụ đông xuân và gần 5.500 ha lúa vụ hè thu của cánh đồng hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng.
Tháng 6-1979, nhân dân huyện Triệu Hải trống giong, cờ mở để đón nước về với một niềm vui khôn xiết. Có cả nụ cười và nước mắt vì quá mừng vui. Cũng dịp đó đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm tỉnh Bình Trị Thiên, khi lên thăm công trình đại thủy nông thấy nước đang cuồn cuộn về xuôi tưới mát cho cánh đồng Triệu Hải, đồng chí đã khóc, khóc vì đồng chí biết có nhiều người đã hy sinh vì bom đạn khi thi công công trình, khóc vì nhớ lại lần trước đến thăm đồng chí tận mắt thấy lao động gian nan vất vả khi đục từng mẩu đá, lửa toé như khi thợ đang gò hàn giữa trời mùa hè nắng gắt và khóc vì mừng vui công trình thế kỷ tại quê nhà thành công.
Bây giờ, sau gần 40 năm kể từ những ngày rộn ràng khí thế thanh niên trên công trường Nam Thạch Hãn, nhớ về những ngày ấy, tôi vẫn ngạc nhiên về ngọn lửa và ý chí của tuổi trẻ. Hình ảnh mồ hôi và máu của những con người trai tráng thanh xuân ngã xuống để dâng hiến cho quê hương một công trình đầy ý nghĩa ngay sau giải phóng thực sự đã mang lại niềm tin cho người dân dưới chế độ mới, tin yêu hơn vào công cuộc xây dựng đất nước, xóa bỏ đói nghèo.
Cũng năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Lòng yêu nước của nhân dân và thanh niên lại trào dâng. Cả thanh niên trên công trường lẫn thanh niên đang ở nhà thi nhau viết đơn tình nguyện ra mặt trận. Có hàng trăm lá đơn viết bằng máu xin đi cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Hầu hết thanh niên đều muốn lên đường nên chúng tôi phải làm công tác tư tưởng, coi công việc ở nhà như là một nhiệm vụ được phân công. Trên công trường đại thủy nông lúc này mỗi "sư đoàn" cũng phải tổ chức một lực lượng phòng không (12 ly 7) và phải trực chiến 24/24giờ. Phong trào thi đua lao động “tay cày, tay súng” lại được dâng cao với lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân. Làm công tác đoàn vào giai đoạn này thật sự đầy cảm hứng bởi đây chính là lúc tổ chức đoàn, đoàn viên, thanh niên có điều kiện nhất để thể hiện vai trò rường cột của nước nhà.
Tháng 12-1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tiến hành, là Đại hội đổi mới, tôi lúc đó làm Bí thư tỉnh đoàn Bình Trị Thiên nên vinh dự được bầu làm đại biểu đi dự Đại hội, được tiếp thu tinh thần đổi mới do Đại hội quyết nghị, các đại biểu ai nấy trong lòng rạo rực, vui sướng. Sau Đại hội, chúng tôi đi làm công tác tuyên truyền thắng lợi của Đại hội, một số khái niệm mới bắt đầu xuất hiện như: Thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần; thực hiện hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài, v.v., được đoàn viên thanh niên chăm chú lắng nghe như một luồng gió mới đang thổi vào cuộc sống của mọi tầng lớp từ sau Đại hội VI.
Tại buổi nói chuyện với hơn 500 sinh viên của các trường đại học tại giảng đường Trường đại học Sư phạm Huế, sinh viên thể hiện rất rõ sự đồng tình về quan điểm đổi mới của Đảng, vỗ tay tán thưởng người diễn thuyết. Có thể nói từ những năm 80, chưa khi nào có cuộc diễn thuyết hấp dẫn và được đông đảo sinh viên - những trí thức trẻ tán đồng như vậy.
Sau Đại hội đổi mới của Đảng, một số cụm từ như: “cạnh tranh”, “biết làm giàu”, “tự làm chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh”, “thị trường”… đã dần dần xuất hiện. Những từ ngữ đó rất lạ so với trước đó nhưng đã rất thực tế vì chúng có sức mạnh “cởi trói” cho nền kinh tế phát triển.
Năm 1987, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V cũng được khai mạc, tiếp thu tinh thần Đại hội VI của Đảng. Đại hội đoàn Thanh niên lúc ấy cũng thực sự là một đại hội đổi mới, đổi mới từ tư duy đến hành động trong đại hội, sau đại hội.
Tỉnh đoàn Bình Trị Thiên lúc ấy không chỉ nói “đổi mới” trên lý thuyết mà quyết tâm triển khai trên thực tế, bằng cách tổ chức và thành lập Ban Kinh tế và Du lịch thanh niên. Một đơn vị sự nghiệp của Tỉnh đoàn đóng ở số 3 đường Đống Đa thành phố Huế. Ban có nhiệm vụ làm kinh tế cho Đoàn như tổ chức các hoạt động dịch vụ: thuê xe để đưa khách du lịch đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Nói là khách đi du lịch nhưng do đời sống còn khó khăn, có mấy ai đi du lịch thực sự, có chăng chỉ là những người đi thăm thân, xe cũng kết hợp chở một ít hàng hoá vào Sài Gòn bán rồi mua lại một số hàng hoá từ Sài Gòn ra Huế. Hoạt động khá thành công, tạo được một khoản kinh phí để  tạo vốn bổ sung cho ngân sách hoạt động của Đoàn và cải thiện một phần đời sống cán bộ cơ quan. Tiếp đó Ban Kinh tế của Tỉnh đoàn còn đi tìm nguồn hàng xuất khẩu rồi tổ chức cho một số cán bộ đi thu mua, uỷ thác xuất khẩu như thu mua sắt phế liệu rồi uỷ thác cho Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Bình Trị Thiên để uỷ thác cho các tổng công ty trung ương xuất khẩu. Thời đó nghe từ “đôla” là lạ lắm, thế mà Tỉnh đoàn uỷ thác xuất khẩu được giá trị 5.000 đôla Mỹ để uỷ thác nhập khẩu chiếc xe hơi mới về phục vụ công tác.
Từ buổi kết nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Miền Nam diễn ra tại một ngôi nhà của cơ sở bí mật giữa cánh đồng làng năm 1969 đến những năm tháng hoạt động công tác Đoàn sau này là những kỷ niệm đẹp đẽ, sâu sắc và có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời tôi. Có lẽ bởi vậy nên như nhiều cán bộ Đoàn khác, dù khi đã chuyển công tác hay nay đã nghỉ hưu, những đam mê và trăn trở với các hoạt động của tuổi trẻ luôn thường trực. Trước thềm kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn, đến tham gia Lễ ra quân Tháng Thanh niên của Đoàn Thanh niên tỉnh và Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho thân nhân bệnh nhân nghèo của Hội Doanh nhân trẻ, tôi như thấy lại sức sáng tạo mãnh liệt từ ngọn lửa và ý chí tuổi trẻ gần 40 năm trước trên công trường Đại thuỷ nông Nam Thạch Hãn và có một niềm vui nồng ấm dâng trào khi cảm thấy “mình cũng còn máu Đoàn Thanh niên đấy chứ”!
 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: nbsp nbsp

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn