21:16 ICT Thứ sáu, 19/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Bài viết của Lê Hữu Thăng » Từ Thâm Khuyến nghỉ về Lao Bảo

TỪ THẨM QUYẾN NGHĨ VỀ LAO BẢO

Thứ ba - 10/01/2012 16:08
Thẩm Quyến đã trở nên quen thuộc với mọi người khi nhắc đến, bởi đây là một điển hình phát triển vượt bậc của nền kinh tế Trung Quốc những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Hai mươi bốn năm kể từ khi thành lập đến nay, từ những làng chài nghèo sát cạnh Hồng Kông, Thẩm Quyến đã biến mình trở thành một thành phố phát triển, mà theo nhận xét của nhiều du khách Thẩm Quyến bây giờ còn lộng lẫy, xanh sạch hơn cả Hồng Kông. Có được những thành công ấy, cái chính là nhờ vào một chính sách đặc biệt mà Chính phủ Trung Hoa đã ưu ái dành cho Thẩm Quyến.
Chúng tôi đã có dịp đến tìm hiểu những chính sách để Thẩm Quyến có những bước phát triển kỳ diệu để từ đó rút kinh nghiệm xây dựng những quyết sách thích hợp cho Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, một mô hình phát triển kinh tế với những ưu đãi của Chính phủ dành cho Quảng Trị. So sánh Lao Bảo với Thẩm Quyến là chuyện khá xa vời nhưng những chính sách dành cho Thẩm Quyến nếu được vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể của Lao Bảo sẽ mang lại những hiệu quả tích cực cho sự phát triển của vùng đất đầy tiềm năng phía tây tỉnh nhà.
Huyền thoại Thẩm Quyến
Giáo sư Trương Nguyên, giảng viên Khoa Tiếng Việt, Trường đại học Quảng Châu - người hướng dẫn cho chúng tôi trong những ngày làm việc tại Thẩm Quyến đã chứng minh cho thành quả đổi mới này bằng một câu chuyện rất ấn tượng: Vài năm sau khi xây Thẩm Quyến và thành phố bắt đầu phát triển, các cụ lão thành cách mạng từ Bắc Kinh về thăm, trước sự thay đổi kỳ lạ của Thẩm Quyến, đã kêu lên: “Mất hết, mất hết rồi! Chủ nghĩa xã hội ở Thẩm Quyến chỉ còn trên lá cờ nữa thôi”! Và Giáo sư Trương Nguyên dí dỏm kết luận: Quá trình đấu tranh để xây dựng Thẩm Quyến là vô cùng gian khổ, đó là sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa sự bảo thủ và cái tiên tiến. Cùng với thời gian, Thẩm Quyến đã chứng minh tính đúng đắn của nó trong cơ chế mới, tốc độ phát triển của mô hình Thẩm Quyến được nhân dân Thẩm Quyến tôn vinh và ghi nhớ.
Đoàn công tác liên ngành đi Thẩm Quyến và Hồng Kông
Từ ngày 31-5 đến 11-6-2004
Câu chuyện huyền thoại này bắt đầu từ năm 1979, thành phố Thẩm Quyến được thành lập, đây là địa phương duy nhất của Trung Hoa đại lục tiếp giáp với Hồng Kông. Năm 1980, khi Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa, ông Đặng Tiểu Bình, người chủ trương chính sách cải cách tại Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến chọn Thẩm Quyến để thành lập đặc khu kinh tế. Đây là đặc khu kinh tế đầu tiên ở Trung Quốc với chính sách thông thoáng, ưu đãi đầu tư và áp dụng các mô hình phát triển kinh tế thương mại theo cách riêng của mình. Chính điều này đã khiến Thẩm Quyến trở thành miền đất hứa của các nhà đầu tư nước ngoài, mà trước hết là Hồng Kông, đổ vào đầu tư.
Từ một làng chài với 300.000 dân khi mới thành lập (năm 1980), ngày nay, Thẩm Quyến đã có 5,9 triệu dân trên một diện tích gần 2.000 cây số vuông. Một phần tư thế kỷ - khoảng thời gian không dài lắm nhưng Thẩm Quyến đã từ một vùng hẻo lánh trở thành một thành phố có nền kinh tế vững mạnh, các chức năng đô thị khá hoàn hảo, môi trường sinh thái trong lành. Cách Hồng Kông - từng được mệnh danh là “Thiên đường châu Á” chỉ có 45 phút đi ô tô, Thẩm Quyến đã tận dụng những ưu thế đặc biệt của mình để tăng tốc phát triển, chưa nói đến những phát triển của hệ thống các nhà máy, cảng biển khu công nghiệp, sản phẩm hàng hoá dịch vụ… Những ngày sống và làm việc tại Thẩm Quyến, đi đâu chúng tôi cũng thấy hoa và hoa, hoa trên đường phố, hoa trên vỉa hè và ngay cả dưới gầm cầu. Hình như ở thành phố này chỗ đất trống nào cũng được trồng hoa, bởi thế mà trong các buổi làm việc với Cục Công thương Thẩm Quyến, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu… chúng tôi đều bắt gặp ý thức về bảo vệ môi trường của người Thẩm Quyến rất cao. Bằng chứng là Thẩm Quyến đã từng được chọn làm địa phương của Ngày môi trường thế giới năm 2002. Với người dân Thẩm Quyến, khẩu hiệu mỗi ngày của họ là: “Bầu trời xanh hơn, mảnh đất xanh hơn, nước sạch hơn, cuộc sống tốt hơn, và thành phố đẹp hơn!”. Thẩm Quyến đã giành nhiều danh hiệu như “Quốc gia vườn hoa”, thành phố kiểu mẫu bảo vệ môi trường… Trong báo cáo về đánh giá tác động môi trường đầu tư trong 23 tỉnh, thành tại Trung Quốc do Ngân hàng Thế giới tiến hành, Thẩm Quyến đạt điểm cao nhất A+.
Từ một thành phố xanh, sạch như Thẩm Quyến, ta có thể hình dung ra sự phát triển bền vững của thành phố này. Thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh, Trưởng đoàn công tác phía Việt Nam trong chuyến đi tìm hiểu cơ chế chính sách của Thẩm Quyến lần này là một trong số ít những người Việt Nam đã từng đến Thẩm Quyến ngay từ khi đặc khu này mới thành lập, đã kể lại rằng ông đã đến đây năm 1984, khi ấy Thẩm Quyến chỉ là một ngôi làng hẻo lánh, cả một vùng đồng không mông quạnh, có ba thứ nổi bật ở đây mà ông còn nhớ: một là cái lò gạch cũ, hai là cây cầu nhỏ và ba là bờ sông mọc um tùm lau sậy… Cầm tập tài liệu mà phía bạn giới thiệu về Thẩm Quyến cho đoàn Việt Nam, chúng tôi đã vô cùng ấn tượng: Thẩm Quyến hiện nay là thành phố duy nhất ở Trung Quốc có đầy đủ cảng biển, sân bay và hệ thống vận tải đường sắt, đường bộ, trong đó cảng Thẩm Quyến đứng thứ tư trên thế giới về giao nhận vận tải trên biển, tốc độ tăng trưởng GDP của Thẩm Quyến từ năm 1980 đến nay luôn đạt tăng trưởng bình quân 27% và năm 2004 đạt 28%. Tổng GDP năm 2004 đạt 342.280 tỷ nhân dân tệ (NDT) tương đương 413 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 7.158 USD (đứng hàng thứ 5 tại Trung Quốc). Một trong những điểm nổi bật của Thẩm Quyến là đã tạo được các nhóm công nghiệp chiến lược như công nghệ thông tin và điện tử (máy tính, thiết bị ngoại vi), phần mềm viễn thông, thiết bị nghe nhìn kỹ thuật số, công nghệ vi sinh học, y cụ, dược phẩm… Một thế mạnh rất tự hào của Thẩm Quyến là các nhóm công nghiệp nhẹ truyền thống như may mặc, giày da, dệt, đồng hồ, đồ chơi… luôn nằm trong hàng “top” của thế giới, như mặt hàng đồng hồ của Thẩm Quyến (đồng hồ treo tường và đồng hồ đeo tay) chiếm 70% lượng sản xuất của toàn Trung Quốc và chiếm 50% của toàn thế giới. Ti vi sản xuất và xuất khẩu tại Thẩm Quyến chiếm 24% tổng ti vi xuất khẩu của Trung Quốc, tổng giá trị xuất khẩu đồ chơi tại Thẩm Quyến hàng năm là 2 tỷ USD, công nghiệp chế tạo máy tại Thẩm Quyến xếp hàng thứ hai với tổng giá trị sản xuất hàng năm đạt trên 100 tỷ NDT… Kinh tế đối ngoại và ngoại thương của Thẩm Quyến phát triển rất mạnh nhờ vào chính sách định hướng tập trung vào xuất khẩu nên tổng giá trị xuất khẩu năm 2004 đạt gần 150 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 77,85 tỷ USD chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu tại Trung Quốc. Liên tục 12 năm qua Thẩm Quyến đứng đầu Trung Quốc về chỉ số ngoại thương. Chính sự phát triển năng động cộng với những ưu đãi đặc biệt này mà các hãng sản xuất, những thương hiệu lớn trên thế giới đều đặt trụ sở tại đây như tập đoàn Sony, hãng IBM, General Electric, Samsung, Intel… Tính ra có gần 100 công ty xuyên quốc gia trong số 500 công ty hàng đầu thế giới đã có mặt tại đây. Đến cuối năm 2004, Thẩm Quyến có 35.021 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 52,338 tỷ USD.
Thẩm Quyến cũng rất chú tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, coi đó như một yếu tố quyết định cho sự phát triển của Thẩm Quyến. Hiện thành phố có 1.324 trường học các cấp, có 12 trường đại học đào tạo đến bậc tiến sĩ, 27 trường đào tạo đến bậc thạc sĩ, 5 trường quốc tế trong đó có 3 trường dành cho học sinh Đài Loan và 1 trường dành cho học sinh Hồng Kông. Thẩm Quyến hiện có 85 bệnh viện và 250 trung tâm y tế cộng đồng…
Giữ gìn bản sắc trong phát triển
Điều để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong chúng tôi cũng như bất cứ du khách nào đến thăm thành phố đều không thể không đến với khu công viên Cửa sổ thế giới (Window of the World). Nơi đây bạn có thể gặp được tất cả những gì tiêu biểu nhất của các nước thông qua những mô hình thu nhỏ. Trên khuôn viên rộng 480.000 m2, cả một thế giới được thu nhỏ, từ những cảnh đẹp nổi tiếng đến những công trình kiến trúc vĩ đại hay mang tính biểu tượng, như tháp Eiffel- biểu tưởng của nước Pháp, tháp nghiêng Pisa của Italia, nhà hát Con sò ở Sidney Ôxtrâylia… Gần gũi với chúng ta là hình ảnh tháp Thạt Luồng của Lào, đến Angko Vat của Campuchia và chùa Một cột Việt Nam. Quảng trường chia thành các khu vực gồm: quảng trường, thế giới, châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương, châu Phi, trung tâm tái tạo khoa học và công nghệ tiên tiến, khu trưng bày tượng và các tác phẩm điêu khắc, phố cổ quốc tế. Chỉ với một vòng quanh Window of the World, du khách có thể cảm nhận như mình đã đi được… cả thế giới. Một tôn chỉ của thành phố là xây dựng Thẩm Quyến trở thành thành phố hiện đại mang tính quốc tế nhưng vẫn mang trong mình những nét đặc sắc điển hình của nền văn hoá Trung Hoa. Bởi thế bên cạnh một công viên Window of the World, Thẩm Quyền còn có Trung Hoa cẩm tú - những hình ảnh danh lam, thắng cảnh của nước Trung Hoa thu nhỏ trong một công viên khác cũng nằm bên bờ vịnh Thẩm Quyến… Đây là cả một giang san hùng vĩ của Trung Hoa thu nhỏ đầy đủ núi non, sông hồ, rừng cây, hang động.
Có những cung điện nguy nga tráng lệ mang vẻ cổ xưa của một nước Trung Hoa với lịch sử lâu đời. Công trình này vốn do một hãng du lịch Trung Hoa ở Hồng Kông thiết kế và xây dựng từ năm 1994 được chia làm hai khu vực. Một khu trưng bày những hình ảnh thu nhỏ của tất cả các địa danh nổi tiếng của Trung Hoa, khu kia là nơi giới thiệu các tinh hoa đặc sắc của nghệ thuật ẩm thực Trung Hoa. Đến đây du khách không chỉ thăm cả đất nước Trung Hoa trong một ngày mà còn chứng kiến tài hoa của các nghệ nhân Trung Quốc. Cuộc hành trình thăm Trung Hoa cẩm tú bắt đầu từ vùng tây nam Trung Quốc với động tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới ở Tứ Xuyên. Các dân tộc xây nhà trong vách núi, qua núi Thái Sơn, Hoàng Sơn sang phía đông thăm đồng bằng sông Chu Giang, sông Hoàng Hà rồi ngược lên phương bắc tới Bắc Kinh, quảng trường Thiên An Môn, Vạn Lý Trường Thành, Di Hòa Viên, Thiên Đàn… Khách sẽ thấy Thượng Hải cũng có trong đội hình Trung Hoa cẩm tú, tạt sang phía tây với những thảo nguyên Nội Mông, vó ngựa du mục và những lều bạt Digan rồi chu du lên cao nguyên Tây Tạng – nóc nhà thế giới… Sau khi thăm hết đất nước Trung Hoa kỳ thú chỉ chưa đầy một ngày, khách sẽ đến với phố quốc tế ở Thẩm Quyến. Những phố cổ được tái tạo vẫn rất đậm nét bản địa nhưng gợi nhớ ký ức của đất nước Trung Hoa. Dĩ nhiên không thể không kể đến làng văn hoá các dân tộc Trung Hoa. Cũng là một hình ảnh thu nhỏ của nền văn hoá nhiều màu sắc, mô phỏng đời sống tập tục của những dân tộc anh em quần cư trên mảnh đất Trung Hoa đại lục này.
Nghĩ về Lao Bảo
Rõ ràng sự phát triển của đặc khu Thẩm Quyến không hề phiến diện, bên cạnh những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, ưu đãi doanh nhân, doanh nghiệp đến khai phá tiềm năng to lớn của miền đất này mà chúng tôi sẽ có dịp đề cập và so sánh cụ thể với những chính sách của ta đang triển khai tại Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, thì điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận rằng lịch sử phát triển của Thẩm Quyến là một hành trình không mệt mỏi và đấu tranh để đổi mới. Trưởng đặc khu Thẩm Quyến cho chúng tôi biết rằng từ khi thành lập đến nay, Thẩm Quyến đã trải qua 7 lần cải cách, mỗi cuộc cải cách đều tạo nên sự thuận lợi cho nhà đầu tư, giải phóng năng lượng tiềm tàng của thành phố trẻ này vượt lên giành lấy vị trí quan trọng trong nền kinh tế Trung Hoa. Nói Thẩm Quyến trải qua 7 cuộc cải cách cũng chính là để thấy rằng chính sách mới bao giờ cũng sẽ có những điều bất cập và luôn luôn cần có sự bổ sung thay đổi cần thiết cho phù hợp với xu thế, tạo nên tốc độ tăng trưởng tốt nhất.
Chúng tôi cũng biết rằng một yếu tố rất quan trọng để Thẩm Quyến bứt phá như vậy là có đóng góp quan trọng của thành phố sát nách Thẩm Quyến là Hồng Kông. Trong khi Lao Bảo của chúng ta lại chỉ là một thị trấn tiếp giáp với một tỉnh nghèo. Tuy nhiên hành lang xuyên Á đã mở ra, vì vậy để Lao Bảo mang tầm vóc mới cần phải tính đến “vượt” sông Mê Kông, rộng lớn hơn là cả một khu vực phía tây của ASEAN và vùng Tây Nam Á. Từ một làng chài nghèo đến tầm vóc một đô thị hàng đầu thế giới như Thẩm Quyến, khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ: Ngoài những chính sách ưu đãi thông thoáng của Chính phủ, sự đồng tâm hiệp lực của lãnh đạo, của các ngành, các cấp mới là điều kiện tiên quyết để mang lại sự thành công cho một thành phố tương lai ở miền tây đất nước.

Tác giả bài viết: Lê Hữu Thăng

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: thẩm quyến