HẠNH PHÚC CHUNG - RIÊNG

Tôi muốn dành một chút trong chương cuối tập sách này để nói về gia đình thân yêu. Đi qua năm tháng chiến tranh, qua bao giai đoạn cam go của công cuộc xây dựng cũng như những ngày hạnh phúc được hy sinh và cống hiến, có lẽ cuối cùng bến đỗ cho tôi vẫn là gia đình bé nhỏ của mình. 
Nếu 44 năm trước, cậu thiếu niên làng An Thái là tôi dấn thân đi theo cách mạng, từ làm em thiếu nhi liên lạc cho đến sau này được Đảng và nhân dân địa phương tín nhiệm giao phó một số trọng trách, gặt hái được một số thành công trong công tác, thì truyền thống gia đình, tình yêu thương của bố mẹ tôi, sự hy sinh của vợ tôi, nỗ lực các con tôi đã góp phần động viên tôi rất lớn để có được thành quả ấy.
  Do hoàn cảnh chiến tranh, hai người bác ruột của tôi hy sinh, và anh trai tôi hy sinh, thế hệ kế tiếp chỉ còn duy nhất một mình tôi. Nhưng cả tôi và mẹ tôi đều bị tù đày, rồi không biết sống chết ra sao vì chiến tranh ác liệt quá, nên năm 1971, khi đang công tác tại miền Bắc, ba tôi đi bước nữa. Ba tôi gặp dì tôi – bà Nguyễn Thị Sảng, quê ở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) và có thêm được ba đứa em, em đầu là Lê Quang Trung, em gái Lê Thị Thu Hòa và em út là Lê Quang Thuận, các em nay đã có vợ, có chồng, có con cái và có công việc ổn định, đều là cán bộ, công chức nhà nước.

 
Thân phụ và thân mẫu tác giảsau 20 năm gặp lại, năm 1973
 
Mẹ tôi, dù gần 20 năm chờ chồng, đến ngày hòa bình lập lại (1973) được biết ba tôi đã lấy vợ, mẹ tôi vẫn vui vẻ nói: “Tất cả là do chiến tranh”- với một giọng nói đầy lòng nhân ái và cảm thông. Tiếp đó bà ra Hà Tây thăm dì tôi, lên thăm quê ngoại các em với một thái độ thân tình và đầy cảm động. Sau đó bà bảo tôi ra xin dì đưa em Trung vào ở với mẹ tôi khi Trung mới lên 2 tuổi. Mẹ tôi xem em Trung như con của mẹ sinh ra. Tối, Trung ngủ với mẹ, mẹ nuôi nấng, ấp ủ, dạy bảo em, em luôn quấn quýt bên mẹ, đến nhà tôi ai cũng tưởng Trung do mẹ tôi sinh ra, vì lúc đó mẹ tôi cũng chỉ mới ở tuổi 40. Gia đình sống hòa thuận, hạnh phúc, mẹ tôi không một chút ghen tuông. Đã là phụ nữ thì “Ớt nào mà ớt chẳng cay”, nhưng mẹ tôi đã không ghen vì nghĩ rằng gia đình tôi đã mất mát quá lớn do chiến tranh.
Dì Sảng tôi là người hiền lành, tốt bụng, luôn sống vì gia đình. Đến nay đã 40 năm, hai bà mẹ vẫn đầm ấm bên nhau mỗi khi kỵ giỗ, lễ tết, không hề có mâu thuẫn to tiếng. Vợ chồng các em Trung, Hòa, Thuận luôn quan tâm đến mẹ, mẹ cũng luôn quan tâm đến gia đình các em, coi các em cũng như vợ chồng tôi.
Tổ ấm thân thương

 
 Người vợ thân thương, năm 2002

Tôi gặp Hiền vào mùa xuân năm 1980, Hiền thực tập tại hợp tác xã quê tôi. Phải nói là Hiền đẹp cộng với gương mặt phúc hậu. Hiền quê ở Triệu Ái, Triệu Phong, là con thứ 5 trong gia đình. Ông bà công tác và sinh sống ở Vĩnh Linh. Hiền sinh ra bên bờ Hiền Lương của dòng sông Bến Hải nên ông bà đặt tên là Hiền - Nguyễn Thị Hiền và cậu em kế tên là  Nguyễn Quang Lương.
Tôi lúc đó đã là Uỷ viên Thường vụ Huyện uỷ, Trưởng ban Dân vận kiêm Bí thư Huyện đoàn Triệu Hải. Với cương vị công tác ấy, thời điểm đó việc chọn bạn trăm năm phải tuyệt đối trong sạch về lý lịch. Với Hiền, có bố là cán bộ tiền khởi nghĩa, ông Nguyễn Quang Đồng, nguyên Chính ủy Công an vũ trang Đặc khu Vĩnh Linh, nguyên Phó Ty An ninh Quảng Trị. Ông đã từng là thủ trưởng, là thầy giáo dạy nghiệp vụ an ninh cho tôi, nên Hiền càng “danh giá” hơn. Có lẽ nhiều người nhìn tôi và Hiền “xứng đôi vừa lứa” nên giới thiệu cho tôi. Trái tim tôi và Hiền cũng mách bảo như vậy, rồi “ông tơ bà nguyệt” đã xe duyên, ngày 29-1-1981 là ngày thành hôn của hai đứa.   
Hiền công tác ở doanh nghiệp nhà nước huyện Triệu Hải rồi chuyển vào Huế. Tái lập lại tỉnh năm 1989, Hiền về công tác tại Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Trị (là doanh nghiệp nhà nước). Khi sinh cháu gái Lê Na, vì phải chăm con, đảm đang việc nhà, tạo điều kiện cho chồng hoàn thành nhiệm vụ và sớm ý thức được cơ chế thị trường nên Hiền đã xin nghỉ theo chính sách và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Tuy không lớn lắm nhưng cũng khá thành công. Không chỉ việc kinh doanh mà việc “gia nương” bên chồng, Hiền cũng luôn xứng đáng là vai “anh cả chị đầu dâu trưởng”, đứng ra lo toan những việc lớn, từ việc lăng mộ ông bà, tổ tiên đến việc kỵ giỗ, thờ tự. Việc bên ngoại Hiền cũng luôn đầy trách nhiệm và góp phần lo toan.
Sau hơn 2 năm kết hôn, ngày 26-6-1983 chúng tôi sinh được cháu trai đầu lòng, đặt tên là Lê Nguyễn Hải Dương. Quá trình Hiền mang thai, tôi rất lo mà không dám nói với vợ, vì tôi đã từng sống từ rừng núi đến đồng bằng vào những năm chiến tranh và đã nếm đủ mùi bom đạn, nếu không may vướng phải chất độc màu da cam trong chiến tranh thì thật khốn khổ, ân hận suốt đời với người vợ thân yêu. May mắn đã đến với tôi, Hải Dương sinh ra khoẻ mạnh. Thời bao cấp, kinh tế khó khăn, gạo không đủ ăn và đồng lương ít ỏi, thực phẩm chỉ mua theo tem phiếu, vậy nhưng Hiền không ngày nào không ra chợ tìm mua cho được con cua về cho Hải Dương ăn, nên Hải Dương có sức khỏe và phát triển nhanh chiều cao. Lớn lên Hải Dương đi học, là học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 12 và là học sinh chuyên toán của trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn của tỉnh. Hải Dương thi đại học năm đầu không đỗ, tôi ân hận vì có một phần do tôi. Tôi đã chọn trường Đại học Ngoại thương, trường “cao giá” bậc nhất tại Hà Nội và cả Việt Nam. Tuy buồn nhưng Hải Dương quyết tâm ôn thi và năm sau dự thi cả hai khối. Khối A vào trường Đại học Kinh tế và khối D vào Học viện Quan hệ quốc tế (Đại học Ngoại giao) đều đỗ cả hai trường nhưng tôi đã khuyên Hải Dương vào học ở Học viện Quan hệ quốc tế, chuyên ngành kinh tế đối ngoại.
Từ khi học phổ thông cho đến đại học, Hải Dương luôn làm cán bộ lớp, vì Hải Dương vừa là một học sinh, sinh viên gương mẫu và có năng lực tổ chức các hoạt động của lớp. Tại Học viện Quan hệ quốc tế, Hải Dương gặp Nguyễn Hồng Lê, bạn học cùng lớp. Hồng Lê sống ở Thủ đô Hà Nội. Học xong đại học, Hải Dương và Hồng Lê đi du học, học thạc sĩ tại Trường đại học Ngoại thương, Bắc Kinh - Trung Quốc. Cả hai đều tốt nghiệp loại giỏi và trở về công tác ở Hà Nội. Tháng 8-2009, Hải Dương và Hồng Lê tổ chức lễ thành hôn, nay đã có cháu Lê Đại Hoàng Tuấn - cháu đích tôn của vợ chồng tôi, sinh ngày 22-8-2010. Như vậy gia đình tôi đã có “tứ đại đồng đường”.
“Tứ đại đồng đường, Tết Tân Mão 2011"
Sau hơn 8 năm, kể từ ngày sinh con trai Hải Dương, ngày 17-8-1991, Lê Na, con gái chúng tôi chào đời, thế là gia đình có “nếp” có “tẻ”, vợ chồng tôi vui sướng hơn bất kỳ điều gì. Lê Na học hành chăm ngoan, cũng là học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 12 và là học sinh chuyên hoá của trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn. Ban đầu Lê Na định thi vào học chuyên toán vì Lê Na đã theo học toán từ cấp II, nhưng Hải Dương khuyên nên học chuyên hóa, nghe lời anh, Lê Na thi vào chuyên hóa. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Lê Na dự thi vào cả hai khối. Đại học Kinh tế (khối A) và Đại học Khoa học (khối D) đều đỗ. Vì thời đại hội nhập, cần giỏi tiếng Anh, nghe bạn bè tôi ở bên Thái Lan giới thiệu, vợ chồng tôi qua Bangkok - Thái Lan khảo sát trường, thấy trường rất tốt - Trường Đại học Quốc tế Assumption tại Bangkok, thành lập từ năm 1969, đào tạo theo chuẩn của Mỹ nên tôi hướng cho Lê Na đi học tại trường đó. Lê Na không chỉ giỏi các môn tự nhiên mà rất có khả năng về xã hội và hội họa nữa.
Cả hai cháu đều ngoan và học giỏi, ngoài sự nỗ lực của các cháu, còn có công lao to lớn của ba và mẹ, nhất là Hiền, người mẹ luôn luôn bên cạnh các cháu. Những năm các cháu học cuối cấp, các cháu học khuya bao nhiêu thì mẹ cũng luôn thức khuya bên cạnh với các cháu bấy nhiêu, một tình thương con và lo cho con từ cái ăn, cái mặc, đến sự học hành của người mẹ như Hiền, cũng như bao người mẹ Việt Nam khác, thật khó tả nổi.
Vì cái giá của chiến tranh, của độc lập dân tộc, nên tôi hay kể về chiến tranh cho các cháu nghe. Vào năm Lê Na mới học lớp 9, cuốn sách mang tựa đề Mãi mãi tuổi 20 - nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc cũng vừa mới xuất bản, tôi mang về tặng cho Lê Na, đọc xong Lê Na chỉ hỏi tôi một câu: “Ba thương binh hạng mấy?” Tôi trả lời: “Ba là thương binh hạng 4”. Chỉ có thế nhưng Lê Na đã vội vàng lấy bút viết ngay những suy nghĩ của mình. Tôi vẫn cất giữ những dòng chữ non nớt con gái viết về tôi:
Bố tôi là một thương binh hạng 4. Hoà bình bố tôi trở về làm cán bộ xã. Trước đây ông đã từng chứng kiến thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Chắc có lẽ vì vậy mà bố tôi muốn tôi hiểu về chiến tranh, về những con người đã hy sinh tính mạng của mình cho Tổ quốc, về những người mẹ mất con mà lòng đau khổ tột cùng. Những điều đó dường như đã khắc sâu trong tâm trí ông. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy tôi suy nghĩ thật là nông cạn. Trước đây tôi không thích khi phải ngồi nghe bố tôi kể về chiến tranh. Mỗi lần như thế bố tôi chỉ nhìn tôi rồi gỡ nhẹ cặp kính ra và suy nghĩ có vẻ trầm tư lắm. Tôi chẳng để ý làm gì. Thời gian cứ trôi qua cho đến một hôm một điều xảy ra đối với tôi. Hôm đó tôi đi học về, tình cờ nhìn thấy trên bàn tôi có một hộp quà nhỏ. Tôi không khỏi ngạc nhiên và tự đặt ra nhiều câu hỏi. Ai tặng quà cho mình thế nhỉ? Mà hôm nay đâu phải sinh nhật của mình, ngạc nhiên này rồi đến ngạc nhiên khác, tôi mở quà ra. Đố các bạn biết là gì đấy? Đó là một cuốn sách mang tựa đề “Mãi mãi tuổi 20” ở dưới có dòng chữ “Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc”. Tôi mở quyển sách và thấy dòng chữ của bố: “Bố mong con sớm trưởng thành. Con gái yêu của bố”. Lúc đó tôi rất bàng hoàng về quyển sách và lời chúc của ông. Dường như bố đang nhắc nhở mình một điều gì đó chăng?... Tôi càng đọc càng thấy yêu quý quyển nhật ký. Tôi đã hiểu ra rằng: Không có ngọt ngào nào mà không có chút đắng cay. Nhớ lại ngày trước tôi thờ ơ không thích nghe chuyện chiến tranh còn bây giờ lại khác, có một động lực thúc đẩy tôi từ quyển sách đó, tôi thầm cám ơn bố…”.
Năm Lê Na 19 tuổi, đang học năm thứ nhất Đại học quốc tế Assumption tại Bangkok, một hôm Lê Na email về cho tôi bài viết của một người tự xưng là đảng viên nhưng muốn xin ra khỏi Đảng. Lê Na nhắn: “Ba đọc cái ni”. Mở email của con ra, tôi đọc và thấy bài viết vừa ca ngợi Đảng vừa nói những điều không tốt về Đảng. Tôi email lại và giải thích cho Lê Na, tôi nói đó có thể là những người bất mãn, những người chống Đảng và tôi khuyên Lê Na nên tìm những bài chính thống mà đọc và tôi giới thiệu một loạt bài... Lê Na đã email lại cho tôi một bức thư để nói lên suy nghĩ của Lê Na có mang tính tranh luận. Tôi giật mình vì không ngờ rằng con gái của mình đã trưởng thành đến như vậy. Lê Na viết cho tôi: “Ba cũng biết là tầm suy nghĩ của bé vẫn chưa đủ khả năng để nhìn nhận một cách đa chiều về những vấn đề kiểu như thế này, thực sự nhức đầu, đúng là như vậy. Nếu có thì cũng chỉ là tiếp nhận ý kiến của người ta và biết chắt lọc thêm, để hiểu thêm về những gì đang diễn ra xung quanh”… Sau khi phân tích về bài viết kể trên, Lê Na viết: “Có ai dám chắc rằng Đảng mình không hề không có thiếu sót? Làm một người bình thường thôi mà cũng không thể được lòng hết mọi người huống gì Đảng giữa muôn dân...
Tuy không thể đem những cái đó mà so sánh quá trình lớn lên của Đảng và máu của nhân dân ta trong công cuộc giải phóng dân tộc, nhưng thực tế nó vẫn đang diễn ra... Bé chưa hiểu nhiều về Đảng và theo như những gì học được ở lịch sử và văn học nước ta thì Đảng được ví như mùa xuân, là trăm tay nghìn mắt, là xương sắt da đồng, là muôn vạn tấm lòng, niềm tin: “Lời Đảng gọi một ngày sấm nổ / Biển người dâng ngập phố ngập đồng”. Bé vẫn đọc những bài “chính thống” như ba nói và vẫn muốn đọc những bài kiểu bé đã đưa cho ba. Không phải để làm gì và không để suy nghĩ theo một hướng tiêu cực nào khác, mà chỉ để tự mình lớn dần trong cách lập luận, lôgích và suy nghĩ mà thôi”…
Đọc bài viết, cuối cùng tôi thấy Lê Na tuy có nhiều suy nghĩ về hiện thực xã hội nhưng cô con gái bé nhỏ của tôi vẫn chọn cho mình một chỗ đứng. Đó là niềm hạnh phúc của đời tôi.
 
                                      Viết xong ngày 11-7-2011.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Gia đình tác giả tại Đại học quốc tế Assumption - Bangkok, ngày 2-9-2011

Tác giả bài viết: Lê Hữu Thăng