LAO XÁ QUẢNG TRỊ

Ngót một thế kỷ xâm lược và cai trị, người Pháp đã dựng lên khắp nơi trên đất nước ta một hệ thống nhà tù, trại giam. Mỗi tỉnh, thành phố có một nhà tù riêng. Trong hệ thống ấy có nhà lao Quảng Trị, nằm trong khuôn viên Thành cổ Quảng Trị. Chính quyền thực dân, phong kiến dùng nơi này để giam giữ tù nhân, chủ yếu là những người yêu nước có tinh thần chống Pháp.
Khi chúng tôi được chuyển về đây, để tìm cơ hội vượt ngục, mỗi ngày anh em đều để tâm quan sát kỹ từng xăngtimét vuông của nhà lao. Bốn bức tường nhà lao vây quanh thì tường phía bắc dựa vào thành lớn của Thành cổ, còn 3 phía đông, tây, nam đều có tường riêng, cao khoảng bốn mét, bên trên tường cắm dày đặc mảnh chai tua tủa sắc nhọn. Bốn góc nhà lao đều có vọng gác, đêm đêm đèn pha sáng rực quét dọc tường nhà lao. Nhà lao có bốn phòng. Phòng số 2 còn gọi phòng cấm cố, bố trí chế độ giam cầm hà khắc hơn để giam những tù nhân nặng tội. Phòng số 3 chủ yếu để giam các tù nhân nam mới đưa về giam giữ, chưa thanh lọc. Phòng số 1 là phòng dành cho những người chúng coi là nhẹ tội hơn. Phòng số 4 để giam phụ nữ, về sau chúng cho ngăn thành 2 phòng gọi là phòng 4a và phòng 4b; 4a dùng để giam nữ tù nặng tội hơn.
Trong nhà lao còn có dãy xà lim 32 phòng được xây cất bằng đá hộc nên còn gọi là “hang đá”. Mỗi phòng xà lim chỉ chưa đầy 3 m2 mà có khi chúng giam đến 3 người, cửa thông hơi của xà lim chỉ là cái ô nhỏ (10 cm x 20 cm) chắn bằng các song sắt phi 16. Chắc chắn đến vậy nhưng vẫn chưa yên tâm, chúng còn bịt kín những lỗ thông hơi này bởi các tấm thép có đục thủng chi chít lỗ nhỏ lăn tăn như đầu tăm bởi sợ anh em tù nhân trong các phòng trên mặt đất lén chuyển đồ đạc vào cho anh em dưới xà lim. Vì bị bịt kín như vậy nên không khí của “hang đá” vô cùng ngột ngạt và thiếu ánh sáng. Đây là nơi để giam những tù nhân bị chúng cho là nguy hiểm và để phạt những tù nhân cứng đầu chống lại chúng. Mãi đến năm 1971 địch mới cho xây dựng thêm phòng số 5 cạnh phòng số 2.
Mỗi phòng ngoài lớp cổng còn có lớp hàng rào bao quanh. Cứ hình dung, nếu đi từ ngoài thị xã đến phòng giam phải đi qua năm lớp cổng và cửa. Trước hết là Thành cổ Quảng Trị. Thành cổ Quảng Trị có hình vuông, chu vi 2.160 m, có 4 cổng cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu. Đến sau sự kiện 1967 chúng cho bịt hết các cổng chỉ còn cửa Hữu, chúng gọi là cổng Đinh Công Tráng (bên trong Thành cổ ngày ấy chỉ có binh lính, không có dân). Qua cổng này tiếp đến là hai lớp cửa của nhà lao: cửa làm bằng gỗ và đóng ván (để không cho tù nhân nhìn thấy bên ngoài) và một cửa khác làm bằng dây kẽm gai, sau cùng là cửa vào từng phòng cũng làm bằng dây kẽm gai và cuối cùng mới đến cửa phòng giam. Có phòng giam như phòng số 2 chúng cho làm hai lớp cửa: gỗ và sắt.
Tuy bố trí dày đặc hàng rào và được canh gác cẩn mật, gắt gao như vậy nhưng đêm ngày 5-4-1967, bộ đội đặc công tỉnh và Tiểu đoàn 14 đã vượt sông Thạch Hãn, cùng với lực lượng biệt động thị xã Quảng Hà tiến công vào thị xã Quảng Trị, đột nhập nội thành mở cửa nhà lao lúc 2 giờ sáng ngày 6-4-1967, giải thoát 260 tù nhân chính trị.  
Chế độ giam cầm tù chính trị ở nhiều giai đoạn tuy có tên gọi khác nhau, sau này được địch che đậy dưới cái vỏ bọc là “Trung tâm cải huấn”, nhưng bản chất vẫn là chế độ lao tù. Chúng bắt bớ, đánh đập, bắn giết vô cớ nhằm thủ tiêu tinh thần đấu tranh của tù nhân. Nhất là sau những lần thất bại trên chiến trường, tù nhân thường bị chúng hành hạ dã man hơn, chế độ ăn uống cũng bị bớt xén nhiều hơn nên rất kham khổ. Cơm nấu cho tù nhân luôn “trên khê dưới cháy”, có bữa cơm nhão nhoét, khê không ăn được, nhưng cũng phải ăn vì đói. Thức ăn là chậu canh lõng bõng vài cọng rau muống cộng thêm một đĩa muối rang. Áo quần thì mỗi năm được cấp phát một bộ bà ba, cổ kiềng bằng vải tám. Khi mới nhận, lớp hồ cứng trên áo như tấm giấy. Mùa rét thì rét buốt, ngán nhất là mùa nắng, nhà lao nóng ngột ngạt, cộng với muỗi bay vo ve như vãi trấu nhưng địch không cho treo màn. Để chống lại “giặc muỗi” anh em cứ mỗi lần bị bắt đi lao động lại tìm cách giấu vài cái bao cát (loại bao có sợi xơ, địch đổ đầy cát và xếp làm công sự) đem về để may màn chống muỗi. Trời nắng chui vào cái màn dày đó chẳng khác nào chui vào đống rơm, mồ hôi đổ ra ướt nhễ nhại nhưng cũng phải chui vào vì muỗi nhiều, muỗi đốt không ngủ được. Vết muỗi cắn chi chít, trong điều kiện thiếu vệ sinh chốn lao tù nên bị nhiễm trùng, sinh ghẻ ruồi, ghẻ lở rất khó chịu. Nhưng những chiếc màn muỗi mà anh em tù nhân tự tạo ấy cũng bị địch thường xuyên lục soát và thu giữ. Những năm tháng ấy, hầu hết anh em bị phù thũng, nhiều người bị bại liệt do thiếu chất. Khó có thể diễn tả hết nỗi khủng khiếp của một “Trung tâm cải huấn” thời bấy giờ.
Ánh sáng trong bóng tối
Ngục tù chính là bóng tối khủng khiếp nhất. Nhưng trong bóng tối ngục tù ấy, chúng tôi vẫn hướng về ánh sáng, tìm ra ánh sáng, và cao hơn là đã tỏa ra ánh sáng làm bừng tỉnh ngục tù.
Sau những cuộc đấu tranh, tháng 12-1968, địch thanh lọc tù chính trị với 50 người bị đưa đi giam tại trại tù binh Vùng 1 chiến thuật ở Non Nước, nay là quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Tuy lực lượng có giảm, nhưng những ngày đầu tháng 4-1969 anh em đã chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới bằng hình thức cả nhà lao đồng loạt tuyệt thực. Thời gian tuyệt thực kéo dài từ 3 tới 5 ngày, nhằm đòi tăng khẩu phần thức ăn hằng ngày, đòi cho tù nhân chính trị được cử người đi chợ mua lương thực, thực phẩm cho nhà ăn để khỏi bị bớt xén, yêu cầu không đánh đập tù nhân vô cớ, không cho các đối tượng tù tư pháp (tù hình sự) đàn áp tù chính trị. Cuộc đấu tranh được chuẩn bị chu đáo nhưng cuối cùng lại bị lộ trong quá trình chuyển thư thông báo trong nội bộ lao xá. Phát hiện ra chuyện này, địch tổ chức đàn áp dã man, dùng cực hình tra tấn những anh em đứng đầu, trong đó có anh Nguyễn Văn Quốc (quê Triệu Phước, Triệu Phong) vì biết anh là một trong những người tổ chức đấu tranh. Sau ba ngày tra tấn không thu được kết quả gì, chúng đưa một số anh em xuống xà lim, một số thì chuẩn bị đưa đi các nhà lao khác ở miền Nam. Ngày 24-4-1969, địch chuyển 100 tù nhân tại lao xá đày ra đảo Phú Quốc và đảo Côn Sơn (Côn Đảo).
Sau cuộc đấu tranh bất thành đó, bọn cai ngục tập trung quản lý gắt gao hơn. Chúng bắt tù nhân phòng nào phải ngồi ở phòng đấy, không được đi lại trong nhà lao. Đến bữa, cứ xếp hàng dọc đi xuống nhà bàn để ăn và phải ăn lần lượt theo từng phòng. Khi đi lao động (từ quen gọi trong nhà lao là đi “hành dịch”) thì chúng bắt tù nhân của phòng nào làm việc theo nhóm của phòng ấy vì sợ anh em sẽ bàn bạc với nhau để tổ chức đấu tranh. Việc “giao dịch” phòng này với phòng khác bị cấm tuyệt đối, dù gặp nhau cũng không được cất tiếng hỏi han. Mỗi lần gặp mẹ, tôi cũng không dám chào (mẹ tôi cũng bị bắt đi tù tại lao xá này từ tháng 9-1969). Với các tù nhân trong một phòng cũng không được tụ tập theo từng nhóm. Đòn roi, xà lim, “hang đá” luôn rình rập bên chúng tôi. Chế độ hà khắc nhất được áp dụng cho số anh em đang bị giam tại xà lim. Mỗi bữa mỗi nắm cơm vắt chỉ bé bằng quả trứng ngỗng, uống nước lã và không được mặc áo quần, trên người chỉ có mỗi chiếc quần cộc. Tàn bạo hơn, đối với chị em phụ nữ, địch tuy cho mặc đồ nhưng không cho thay áo quần vài tháng liền. Như mợ Trần Thị Nghiêu, lúc đó mới ngoài 30 tuổi, vợ của cậu Bùi Từ (Thu Lan) - là cậu ruột tôi, đang giữ trọng trách Trưởng ban An ninh cách mạng thị xã Quảng Hà. Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã từng cho máy bay rải truyền đơn có ảnh của cậu Bùi Từ và treo giải thưởng 2,5 triệu đồng (tiền miền Nam lúc bấy giờ) cho bất cứ ai bắt hoặc bắn được Bùi Từ. Chồng càng nổi tiếng thì vợ càng bị địch ra sức hành hạ. Kể ra như thế để thấy hết sự dã man tàn bạo của địch, với mục đích khủng bố, ngăn chặn, dập tắt ý chí đấu tranh của anh em tù chính trị tại nhà lao. Nhưng chúng đã nhầm, càng đàn áp, lòng yêu nước và chí căm thù giặc của anh chị em trong lao xá càng được nhân lên gấp bội.
Tại nhà lao Quảng Trị, từ trước luôn có tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên bí mật tồn tại. Nhưng kể từ sau sự kiện tháng 4-1969, mọi hoạt động gần như bị dập tắt, mãi đến tháng 5-1970 mới thành lập lại được tổ chức Đảng. Với ý chí cách mạng và lòng kiên trung, anh em trong tù luôn đoàn kết, một lòng đấu tranh không khoan nhượng với kẻ địch. Mỗi một phòng giam là một khối thống nhất.
Tôi nhớ năm 1971 khi quân ta đánh vào thôn Lương Điền thuộc huyện Hải Lăng, bộ đội ta có nhiều người bị bắt, trước khi đưa đi trại tù binh, chúng đưa vào tạm giam tại phòng 3 (anh em tù chính trị ở phòng 3 bị địch tạm chuyển qua phòng khác). Anh em hầu hết là người miền Bắc. Tổ chức của nhà lao quyết định vận động quyên góp, tuy không có nhiều bởi bọn giám thị luôn cho lục soát tù nhân, bắt buộc ai có tiền phải gửi tại ban giám thị. Tuy thế, nhiều anh em vẫn thu giấu được một ít tiền đem góp ủng hộ cho bộ đội bởi nghĩ rằng anh em toàn là người miền Bắc, thế nào địch cũng chuyển ra đảo Phú Quốc. Lo cho anh em ra đấy không có một đồng, dù biết nếu có tiền cũng chưa chắc đã có cơ hội để tiêu. Biết được tinh thần của đợt quyên góp ấy, anh em chúng tôi hăng hái tham gia, tìm cách chuyển tiền qua phòng 4 (phòng giam tù nhân nữ). Hằng ngày, các chị bị bắt đi gánh nước để tưới rau, hoặc đi ra chuồng nuôi lợn đều đi ngang qua phòng 3 - nơi đang giam anh em bộ đội miền Bắc. Các chị đã tìm cách chuyển tiền vào cho anh em bộ đội, tuy nhiên bọn cai ngục đã phát hiện được. Ngay sau đó chúng liền mang nhiều người ra đánh đập dã man, trong đó có chị Phan Thị Thêm (tức chị Xuân), Bí thư Chi bộ xã Triệu Trung bị địch bắt từ năm 1969. Tôi còn nhớ chị là người rất đẹp, trẻ trung, dũng cảm. Địch tra tấn tàn bạo nhưng chị một mực không khai báo (nếu khai ra chắc chúng đánh tan tác cả nhà lao). Tàn bạo hơn, chúng cho số tù làm “trật tự” là những đối tượng tù hình sự dạng “đâm cha giết chú” vốn có hận thù với cộng sản như tên Nguyễn Văn Ca (Triệu Trạch), Nguyễn Quyệt và Hồ Quyệt (Hải Thành), tên A Dềng (người dân tộc thiểu số) trực tiếp tra tấn chị. Mấy tên này vốn sẵn bản tính hung ác, tra tấn, đánh đập chị Xuân như một thú vui. Chúng treo hai chân chị lên mái nhà, đầu dốc ngược xuống đất, lấy chân đạp vào đầu tóc dài chị, đánh chị chết đi sống lại nhiều lần đến tàn phế, không thể đi lại được. Cứ một lần có tiếng động là chị ngất xỉu. Nắm được tình hình trong nhà lao, đồng chí Nguyễn Đức Dũng, bấy giờ là Phó Bí thư Tỉnh uỷ cho người tìm cách gửi sâm vào để cứu chị. Thấy chị không thể sống được nên địch thả chị và bảo: Cho mày về mày cũng không làm được Việt cộng nữa đâu! Sau ngày giải phóng Quảng Trị năm 1972, Tỉnh uỷ đưa chị ra Bắc để chữa bệnh. Trên đường ra Bắc, chị bị trúng bom Mỹ hy sinh. Ngót bốn mươi năm qua rồi, nhớ lại những ngày lao xá, tận đáy lòng tôi vẫn không nguôi thương xót chị với những trận đòn tàn bạo chị đã chịu đựng và quyết không khai báo. Những dòng hồi ức này xin thay một nén nhang kính viếng hương hồn của chị!
Những năm tháng đó, có thể nói cả nhà lao là một mặt trận để đấu tranh đòi yêu sách với địch, rồi cao hơn nữa là đánh lại bọn “tù trật tự” và tổ chức tuyệt thực. Một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức. Địch có vũ khí, có xiềng xích, có xà lim - hang đá. Anh em tù nhân chúng tôi nằm trong tay địch, chấp nhận sau mỗi lần đấu tranh là đưa tay vào vòng số 8, chịu đòn roi tra tấn cực hình và xuống xà lim, thế nhưng những cuộc đấu tranh ở nhà lao luôn diễn ra, nối tiếp không ngưng nghỉ.
Khi từ trung tâm tạm giam của Ty Công an ngụy quyền bị tống về nhà lao Quảng Trị giam những ngày đầu tháng 9-1969,
 
Text Box: Từ phải qua: Phồn, Tánh, Thăng, Thịnh, Dăng, Lái)Thăm lại xà lim nhà lao Quảng Trị, năm 2002
sáu anh em chúng tôi gồm: Lê Hữu Thăng, Lê Văn Dăng, Lê Xuân Tánh, Lê Minh Lái, Hồ Xuân Thịnh, Đào Phồn được đưa vào giam tại phòng 3. Những ngày đầu trong nhà lao Quảng Trị ấy, anh em không một chút nao núng, đùng một buổi sáng (sáng 3-9-1969), một thông tin như sét đánh bên tai: Bác Hồ đã vĩnh viễn ra đi, lòng mọi người đau xé. Địch thì hồ hởi, phấn khởi và nói rằng: Ông Hồ Chí Minh đã mất, Hồ Chí Minh mất như rắn mất đầu, Việt cộng sẽ thất bại(!)... Tất nhiên chúng tôi không hề nghe một lời nói nào xúc phạm đến Bác Hồ kính yêu. Dù chưa một lần được thấy ảnh Bác, nhưng lòng chúng tôi luôn hướng về Bác, kính trọng Bác vô ngần. Liền hôm đó, mặc dù bọn “trật tự” luôn rình rập, dò xét nhưng chúng tôi đã bí mật lập bàn thờ và làm lễ truy điệu Bác Hồ. Càng tiếc thương Bác, càng tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, nhưng lòng mỗi người đều vẫn vướng chút lo âu. Những ngày tháng ấy, tổ chức đã kịp thời củng cố tinh thần cho anh em để tiếp tục cuộc đấu tranh.
Thời gian đầu, sáu anh em bị giam chung ở phòng 3, tất cả đều hăng hái tham gia nhiều cuộc đấu tranh như chống đi lao động, đánh bọn “trật tự”, và luôn là lực lượng tiên phong của phòng 3 để đấu tranh đòi yêu sách. Một lần cơ sở cách mạng của ta gửi vào một tờ báo Tia Sáng. Mặc dù là tờ báo tư nhân của chế độ miền Nam nhưng thông tin trên báo đã phản ánh sự thất bại thảm hại của quân đội Sài Gòn trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 khi tiến đánh huyện lỵ Sê Pôn tỉnh Savanakhẹt (Lào) nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho Quân giải phóng miền Nam qua đường Hồ Chí Minh, vì thực tế khu vực này tập trung hầu hết các nhánh của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Bài báo rất có lợi cho công tác tuyên truyền tư tưởng của chúng ta nên anh chị em đã tìm cách truyền tay nhau từ phòng này chuyển qua cho phòng khác đọc cho đến khi tờ báo đến với anh em phòng 3. Sáng hôm ấy anh Nguyễn Quốc Đồi, một tù nhân trong phòng vào ngồi trong phòng vệ sinh để đọc, tên trưởng ban “trật tự” Nguyễn Văn Ca tinh mắt nhìn thấy, báo với giám thị bắt anh Nguyễn Quốc Đồi lên tra khảo. Trước đó, Lê Xuân Tánh đã dặn anh Đồi: “Có gì anh cứ khai cho tôi”. Anh Đồi khai như Tánh dặn, lập tức bọn giám thị gọi anh Tánh lên đánh anh tàn nhẫn, nhưng Tánh vẫn một mực không khai. Nếu khai thì sự tổn thất này vô cùng lớn, có thể thêm nhiều anh chị em tù nhân sẽ bị địch đánh đập dã man. Tánh nói: “Các ông bắt tôi đi quét cầu tiêu (vì Tánh đã đánh lại một tên trung sĩ nên chúng phạt bắt anh đi quét cầu tiêu 6 tháng), tôi thấy có tờ báo trong ô cửa nhỏ của cầu tiêu, tôi đem về cho anh em đọc. Đây là tờ báo “quốc gia” cớ gì các ông lại đánh tôi?”. Chỉ tờ báo ấy thôi mà anh Tánh đã bị đòn roi và nhốt xuống xà lim. Những sự hy sinh vì đồng đội như vậy trong ngục tù càng khiến anh em yêu thương nhau hơn, bởi vì giữa đời thường, hiếm ai dám đứng ra nhận đòn roi và có thể nhận cả sự chết chóc về mình.
Sau một thời gian, thấy sáu anh em tôi thuộc loại cứng đầu, bất ổn, bọn cai ngục chia chúng tôi ra giam ở ba phòng khác nhau: Tánh và Thịnh bị giam ở phòng số 3, Lái và Phồn giam ở phòng số 1, tôi và Dăng ở phòng số 2 - phòng cấm cố. Phòng cấm cố là phòng không có cửa sổ, chỉ có lỗ thông hơi trên cao tận mái nhà, phòng này chịu chế độ giam cầm hà khắc hơn. Mỗi ngày chỉ hai lần chúng mở cửa cho tù nhân sắp hàng đến nhà ăn, phòng số 2 lúc đó có khoảng 20 người, về sau, khi cao điểm, chúng giam đến 40 người. Phòng 2 là phòng giam giữ cán bộ trung, cao cấp và các thành phần “nguy hiểm”, nhưng đây cũng chính là môi trường đào tạo, rèn luyện những người tù cách mạng. Bác Hồ từng nói: phải biết “biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận”. Từ cái phòng “cấm cố” này mà tôi được tiếp cận với những cán bộ cao cấp của Đảng, được học đường lối cách mạng, học chủ nghĩa Mác - Lênin… Bởi vì khi tham gia cách mạng, tôi chỉ mới đang tuổi thiếu niên, chỉ biết làm nhiệm vụ do cách mạng phân công chứ chưa hiểu thế nào là đường lối cách mạng, chưa hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin. Phương pháp học ở phòng cấm cố là được các bác, các chú, các anh nói theo kiểu “kể chuyện đêm khuya”. Tôi cũng được học về lòng dũng cảm từ một câu thơ của đại văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn mà anh Phan Văn Thịnh viết vào chiếc khăn để thêu (vì anh chữ viết rất đẹp):
“Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ,
Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”.
Chúng tôi hiểu ý câu thơ rất giản dị ấy bằng thái độ sẵn sàng coi thường tụi cai ngục, tụi “tù trật tự” vốn to cao lực lưỡng. Bọn giám thị bắt được chiếc khăn thêu, biết tôi và Lê Văn Dăng thêu ngay lập tức ba chúng tôi bị đem xuống xà lim và nhốt chung một “hang”, đấy là hang số 2.
Tôi và Lê Văn Dăng quả thực là không hiểu lắm về “đường lối” nhưng cũng dũng cảm tham gia cuộc đấu tranh trong xà lim. Anh Phan Văn Thịnh dặn: “Nếu chúng đem cơm vắt xuống thì phải tuyệt thực để đòi ăn cơm thường.” Nghe vậy, tôi và Dăng hưởng ứng ngay, tưởng chỉ bị đánh đập là cùng, nào ngờ khi chúng đem cơm vắt xuống, anh Thịnh nói: “Tiêu chuẩn của chúng tôi được “chính phủ” cho ăn một ngày 42 đồng 6 xu cớ sao chúng tôi phải ăn cơm vắt?”. Chúng không nói năng gì, liền mang cơm ra và đóng sầm hai 
 

Thăm lại hang số 2 xà lim, năm 2002


lớp cửa lại, thế là ngày hai bữa không được ăn. Qua hai ngày chịu đói, đến ngày thứ ba thì mệt rũ người, hết cảm giác đói, chúng tôi liền nghĩ ra “trò” khác. May mà kiếm được một chút mẻ chai không biết từ đâu rớt lại trong góc hang, tôi dùng miếng mẻ chai rạch vào da ở háng, lấy máu bôi vào miệng cùng với bọt nước miếng, nhìn kinh hãi như sắp chết đến nơi. Thật ra địch cũng sợ tù nhân chết vì trên danh nghĩa đây vẫn là một trung tâm “cải huấn”, mà chúng tôi thì chẳng có “tội” gì, chỉ là “phạt” nên cuối cùng thì chúng phải cho chúng tôi ăn cơm thường...Rồi chúng tôi được học văn hóa. Mặc dù chỉ kiếm được vài trang giấy, cây bút chì nhưng anh Phan Văn Thịnh đã dạy cho chúng tôi học các môn học tự nhiên (vì anh Thịnh trước khi bị bắt đã có trình độ tú tài), học đạo đức cách mạng, học nhân cách sống, lẽ sống và tình thương. Chúng tôi còn được học cả cách giả ốm đau để được đi bệnh viện. Bệnh viện tỉnh lúc ấy gọi là “Nhà thương”. Nhà thương tỉnh tại thị xã Quảng Trị có một ngôi nhà được rào bằng dây kẽm gai quanh phòng để dành riêng cho tù chính trị. Có lính gác 24/24 giờ. “Được” lên bệnh viện, có khi may mắn gặp một số y bác sĩ tốt, họ tìm cách nhắn cho gia đình “bệnh nhân” lên thăm, rồi gia đình “hối lộ” cho tên lính gác để được vào thăm trong chốc lát. Nhờ những lần đi bệnh viện như thế mà chúng tôi được nhận tin tức, thư từ chỉ đạo của cấp trên. Còn nhớ có lần tôi vờ giả ốm, kêu rằng hạch nổi trong cổ, không thở được, bọn giám thị nhà lao phải cho tôi đi bệnh viện. Không hiểu bác sĩ khám bệnh thế nào mà kẻ giả bệnh như tôi lại bị tiêm thuốc kháng sinh liều cao, loại peniciline 500.000, một ngày tiêm hai mũi trong 5 ngày liền. Chị Trần Thị Khuyên khi ấy là y tá của bệnh viện, chị quê ở Long Hưng, Hải Phú. Dù biết chị là người tốt nhưng tôi vẫn không dám nói thật với chị, mỗi ngày hai lần nghiêng mông cho chị chích đúng… 1 triệu đơn vị kháng sinh! Chính những lần đấu tranh trong ngục tù ấy đã thắp lên ánh sáng niềm tin vào sự nghiệp cách mạng trong mỗi chúng tôi. Những lần khảo tra, những trận đòn thù chí mạng khiến cho lòng căm thù giặc càng tăng gấp bội, làm nền tảng cho lòng dũng cảm và dám hy sinh vì sự nghiệp cách mạng sau khi chúng tôi ra tù.
Những bữa ăn không thế nào quên
Những ngày trong lao tù, cái đói, cái rét luôn giày vò chúng tôi suốt đêm ngày. Đang tuổi ăn, tuổi lớn, chúng tôi luôn bị cái đói hành hạ. Có khi cả trong giấc mơ, thấy mình được ăn một bát cơm trắng, tỉnh dậy, mồ hôi tuôn ướt đầm cả người, cơn đói càng vật vã hơn...
Khi chúng tôi bị tống giam về nhà lao, chúng tổ chức lục soát rất kỹ. Ngoài mấy bộ áo quần bà ba, chúng không cho mang vào bất cứ một thứ gì, kể cả màn chống muỗi. Vậy nhưng Lê Văn Dăng vẫn giấu được một lon cá hộp. Dăng qua mắt được bọn giám thị nhưng không thể qua được mắt chúng tôi. Phát hiện có lon cá, ngày nào anh em cũng xúm vào trổ tài "thuyết khách" để Dăng đồng ý khui ra ăn. Dăng vốn bản tính lo xa nên luôn biện bạch rằng phải "tích cốc, phòng cơ", cần giữ lon cá hộp lại nhỡ khi đau ốm có cái mà bồi dưỡng. Dù lý do có vẻ chính đáng nhưng vì thèm quá, chúng tôi vẫn không từ bỏ ý định của mình. Thuyết phục mãi, nhưng cũng phải đến gần nửa tháng, Dăng mới đồng ý cho khui lon cá. Được lời như cởi tấm lòng, chúng tôi nhanh chóng phân công nhau, người lấy một cái lon không, đổ nước lã vào, người xin ít hạt muối trắng làm bột nêm để kho cá, người bẻ cành khô cây trứng cá nhóm lửa đun cật lực dưới đáy lon. Thoáng chốc, lon cá bắt đầu sôi lục bục, một mùi thơm bốc lên khiến chúng tôi ứa nước bọt! Lê Xuân Tánh nhìn chăm chăm vào lon cá, bảo: "Cho thử miếng trước nghe". Miệng nói tay làm, Tánh bẻ cành cây đưa vào lon gắp ngay khúc cá, bỏ vào miệng ngon lành. Thấy sốt ruột, năm anh em còn lại mỗi người xin “thử” một miếng. Trong nháy mắt, lon cá hết nhẵn. Sau khi vớt hết cá, đến lượt Đào Phồn, anh có sáng kiến cẩn thận ngắt vài đọt rau muống mọc trong hàng rào phía sau phòng giam, xin nhúng vào nước cá xem có "thấm" không? Thế là lần lượt mỗi anh cầm vài đọt rau muống nhúng qua nhúng lại vào lon cá đang sôi sùng sục và lim dim thưởng thức thứ rau xanh được chế biến với công nghệ "độc nhất vô nhị". Bị tận dụng đến cạn kiệt, khi lửa chưa tàn, lon cá chỉ còn nước trong văn vắt.
Sáng hôm sau, tên giám thị trại giam Nguyễn Văn Bộc xuống kiểm tra, phát hiện có tù nhân ngắt đọt rau muống trong hàng rào dây kẽm gai để cải thiện. Thế là tay giám thị tuýt còi bắt anh em chúng tôi ra xếp hàng và đánh một trận đòn. Anh em tôi nhìn mặt nhau và nhất quyết không nhận "tội" ngắt đọt rau muống, vì nếu nhận thì tất cả đều bị đánh như nhau. Tình thế rất căng thẳng thì bỗng nhiên Lê Xuân Tánh dũng cảm đứng ra nhận hết mọi chuyện về mình. Tánh lý sự: “Đói quá, thiếu chất xanh quá nên hái để ăn, mà rau mọc trong hàng rào chứ đâu phải rau trồng mà ông giám thị đánh tôi?”. Vậy mà Tánh cũng phải chịu tiếp một trận đòn và hình phạt kỳ quặc: Cầm hai tay hai thùng đạn đại liên đựng đầy cát, dùng hai cùi tay trườn bò quanh sân nhà lao, lại còn bị tên giám thị dùng roi quất vào mông cho đến khi kiệt sức.
Đến đây, tôi lại nhớ câu chuyện có chị Lành lúc còn đang bị tạm giam tại Ty Công an, tên Thành, giám thị bắt chị đi lao động. Vì bị địch tra tấn đến sái tay nên chị nói: “Thưa giám thị, tui không đi làm được vì tui bị đau tay”. Tên Thành lập tức tạo cớ đánh chị Lành một trận nhừ tử. Tên Thành đay lại: "Tay đau" nói lái là “tau đay”(nói lái theo kiểu miền Trung), mày dám xưng hô với tau là “tau đây” hả? Đánh... đánh...! Một trận đòn thù lại lập tức phủ xuống thân thể người nữ tù ốm yếu. Đấy là những chuyện oái oăm nhưng vẫn diễn ra thường ngày đối với anh em tù chính trị.
Khẩu phần thức ăn bị bọn cai ngục bớt xén. Chúng không cho cắt cử tù chính trị đi chợ vì sợ anh em sẽ tìm cách liên lạc và nhận sự chỉ đạo của bên ngoài. Thường thì chúng cử số tù hình sự đi chợ, một số trong số họ thường bớt xén lần nữa nên bữa cơm của tù nhân càng bị đói và rất thiếu chất.
Đói quá, anh em hằng ngày đi quanh mấy cây trứng cá nhìn thấy hạt nào chín là hái và cho vào miệng ngay nhưng chẳng nhằm nhò gì. Mấy cây rau tàu bay, rau má cũng không mọc chồi kịp trước cái đói của anh em. Chúng tôi còn đổi nhau canh đến giờ xới cơm của nhà bếp cử người vờ xuống lấy nước uống, mấy chú, mấy anh ở nhà bếp lén đưa cho một miếng cháy có dính nhiều sỏi, sạn (vì gạo xấu và có nhiều sỏi sạn), anh em tôi giấu mang miếng cơm cháy về phòng rồi chia nhau mỗi người một tý để nhai cho đỡ đói.
Vì thức ăn không có cá thịt, mắm chượp lẫn cả dòi nhưng chẳng mấy khi có, thế là có lần đi lao động, anh em may mắn bắt được con chuột cống về làm thịt. Dù chẳng có chút gia vị nhưng bữa thịt chuột ấy còn hơn cả cao lương mỹ vị. Lúc ấy cứ mong ngày ra tù để đi bắt chuột làm thịt ăn cho thoả thích! Cũng có lần chúng tôi bày mưu tính kế để có thịt heo ăn. Trong nhà lao khi ấy chúng bắt tù nhân trồng rau, nuôi vài con heo. Anh em nghĩ ra cách nhét viên sỏi vào lỗ tai con heo, heo bỏ ăn và chết buộc phải làm thịt, thế là có được bữa thịt heo nhưng không thể làm như thế mãi được, vì lộ ra chúng đánh chết.
Sau cả thời gian dài không cho gia đình vào thăm nuôi, thường tết đến chúng mới cho thân nhân gia đình vào thăm nuôi, mang cho một ít đồ ăn, mừng lắm. Nhưng muốn được vào thăm nuôi phải lên chính quyền xã xin giấy, thường thì xã cũng vặn vẹo rất khó khăn. Tết năm ấy, năm Canh Tuất 1970, anh Lê Thịnh, anh con bác ruột tôi vừa hy sinh nên nhà tôi vào thăm nuôi chậm hơn mọi nhà. Ngồi trong lao xá nóng lòng chờ đợi, từ chiếc loa, cứ vang lên gọi tên người này đến người khác càng làm tôi sốt ruột. Đến tận trưa mới thấy gọi tên hai mẹ con tôi. Đoán biết chuyện dữ, hai mẹ con vội vã ra đến phòng thăm nuôi. Tôi sững người nhìn ông nội tôi đã ngoài 70 tuổi và o ruột tôi đứng bên kia khung cửa sắt. Tay chống gậy, tay xách đồ, cả ông và o đều khóc nức nở vì gia đình vừa mai táng cho anh tôi xong. Bác dâu tôi thì không còn sức nữa. Ông sống một mình, có o tôi về lo cho ông mấy thứ bới xách. 
Những năm tháng ấy đói thường trực nhưng cũng có lần chúng tôi suýt chết no. Cứ mỗi lần được thăm nuôi, mỗi nhà gửi mỗi thứ khác nhau nhưng thông thường là thức ăn khô như muối sả rang có một ít thịt, bởi vào thời đó ở nhà cũng chẳng mấy khi có thịt ăn. Nhiều nhà gửi các loại bánh như bánh khô, tức là bánh làm bằng hạt ngô rang nở, trộn với đường, đưa vào hộp vuông làm bằng gỗ, đóng chặt cho kết dính sau đó đem ra cắt thành từng lát dày chừng một lóng tay. Bánh in là loại bánh làm bằng bột từ củ của cây huỳnh tinh hoặc bằng bột nếp trộn đường, ép vào khuôn in thành bánh. Đặc biệt là bánh làm bằng cám gạo, ăn cho đỡ bị phù thũng thì nhà nào cũng có. Có nhà khá hơn thì làm được ít bánh xoài, tất cả đều được chúng lục soát kỹ rồi mới cho tù nhân nhận. Nhận về phòng, tất cả đều biến thành của chung. Vì đói quá, thèm quá nên mấy anh em cùng nhau ăn một bữa ngon, mà quên đó là những thức ăn khô. Ăn đồ khô thường khát nước, nên khi uống trọn ca nước vào thì bụng phình to ra rất nguy khốn. Có người bị trương bụng hai tay phải vịn vào bờ tường để lần đi, lần lại một cách chậm rãi cho nó xuống, có người thì bò đi bò lại giữa nhà mãi nửa tiếng đồng hồ mới biết mình đã thoát chết. Đấy là câu chuyện “suýt chết no” nhớ đời của mấy anh em chúng tôi trong dịp Tết năm Tân Hợi 1971.
 “Phấn đấu” xuống… xà lim!
Thời thanh niên sôi nổi ấy, tuy sống trong ngục tù nhưng nhiệt huyết đầy ắp, có lý tưởng cách mạng soi đường, chúng tôi không sợ khổ, không sợ chết. Bị giam trên mặt đất dù sao cũng còn dễ thở (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), nên mỗi lần nghe tiếng rít rợn người từ cánh cửa sắt, ghé mắt nhìn xuống xà lim sâu hun hút càng thấy thương đồng đội mình vô cùng. Tại thời điểm đó, sau khi chúng đưa đi Côn Đảo, số còn lại trong xà lim chưa đầy 10 người, trong đó có anh Nguyễn Quốc Đồi (ở Cam Chính), anh Nguyễn Đức Phúng (ở Hải Tân), anh Phan Khắc Ty (ở Hải Thượng), anh Nguyễn Văn Phẩm (ở Triệu Trạch), chú Nguyễn Đăng Kiền (ở Hải Vĩnh), bác Nguyễn Khung (ở Hải Trường)... Do bị giam cầm lâu ngày, không có ánh mặt trời, ăn cơm vắt, muối hạt, ba người một ngày chia nhau một lon nước lã nên ai cũng phù thũng, bại liệt, da trắng nhợt nhạt, mỗi lần di chuyển phải bò, trườn trên mặt đất. Có người được chiếu cố đi ra ngoài đổ phân tại cầu tiêu, đã phải bò dưới đất gặm từng ngọn cỏ non, uống nước hầm cầu cho đỡ khát. Tôi còn nhớ trong số anh em bị giam trong xà lim có người đã làm mấy câu thơ:
Cơm ngày hai vắt lĩnh thường xuyên
“Tiểu kính” quay lưng “đớp” sạch liền
Không muối, không tương, như chùa không Phật
Tưởng rằng tu thật hoá tu huyền (tù)...
Đàn áp anh em không xong, địch bày trò chiến tranh tâm lý nham hiểm, bắt anh em phải hô khẩu hiệu: “Đả đảo ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản(!). Trong khi anh em rất đói khát thì chúng đưa ra một xoong cơm với vài món thức ăn dọn sẵn giữa sân đất cạnh xà lim. Chúng ve vãn: “Thôi, tôi biết các anh trung thành với lý tưởng các anh rồi, tôi thương các anh lắm, các anh hô một câu khẩu hiệu thôi, lời nói gió bay mà, chỉ một mình tôi đây, không ai biết nữa đâu...”(!). Đói lắm, khát lắm, thèm lắm nhưng anh em kiên định không hô và… quay lưng lại với mâm cơm.
Không chỉ vậy, chẳng có gì làm cho lớp trẻ chúng tôi run sợ. Chúng tôi còn luôn nuôi ý định phải “phấn đấu” để được một lần xuống xà lim. Biết xuống đó là phải chịu những cực hình man rợ, nhưng luôn nhận một tình cảm yêu mến, khâm phục của những người bạn tù. Tôi nhớ cứ mỗi lần nghe tiếng cót két mở cửa lập tức hàng trăm con mắt của anh chị em đổ về một hướng: Xà lim đấy! Thấy anh em bò ra mà không cầm được nước mắt với lòng thương vô hạn. Từ đó chúng tôi cũng mong được một lần thử sức với xà lim, để được đón nhận tình yêu thương của mọi người dành cho các anh em trong xà lim cấm cố và cũng để được “xứng danh anh hùng” trong nhà tù của địch. Đôi khi, ý nghĩ của tuổi trẻ chúng tôi lúc đó đơn giản là vậy.
Trong tù nhưng chúng tôi vẫn giữ kỷ luật rất nghiêm minh. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được có những hành động tự phát, manh động để bảo toàn lực lượng, đấu tranh lâu dài. Thời điểm đó có một số tên trật tự viên vốn là tù hình sự rất hung hãn, thích đàn áp anh em tù chính trị một cách dã man. Không chịu đựng được, với phương châm “đánh một cái, vái cả chợ”, nhiều lần tôi đề xuất và cuối cùng tổ chức đồng ý cho tôi đánh tên Nguyễn Văn Nghẹng, trước đó Lê Văn Dăng đã đánh tên Mãn, cũng là trật tự viên khét tiếng tàn bạo của nhà lao. Sau khi bàn bạc, chúng tôi thống nhất phương án là tạo cớ để đánh, làm sao để địch thấy đánh là do xuất phát từ hiềm thù cá nhân chứ không phải do tổ chức sắp xếp. Nếu biết có bàn tay của tổ chức sắp xếp, chúng sẽ trả thù tàn bạo hơn với tất cả bạn tù, không trừ một ai.
Rồi thời cơ cũng đến. Trong một bữa ăn, toàn bộ tù nhân xếp hàng đứng quanh bàn ăn làm bằng xi măng, lúc tên Nghẹng đi ngang qua, tôi chủ động vướng vào tay nó để bát cơm của tôi “bị” đổ xuống đất và lấy hết sức bình sinh đánh mạnh vào gáy nó. Bị đánh bất ngờ, tên Nghẹng ngã khuỵu xuống đất. Các bạn tù thấy thế xông vào đánh bồi. Lập tức kẻng nhà lao dồn dập, còi nhà tù rúc từng hồi báo động ầm ĩ. Giám thị, lính tráng rầm rập ập chạy vào. Chúng tôi từng tốp bị khóa còng số 8 và bị đánh bầm dập. Như đã cam kết từ trước, ai cũng một mực khai chỉ có Lê Hữu Thăng đánh trật tự viên, mọi người chỉ vào can ngăn. Chúng khảo tôi:
- Tại sao đánh?
- Do làm đổ chén cơm, tức quá, đánh, thế thôi!
Ảnh minh họa - Lê Na
Chúng xiềng tay tôi, theo kiểu xiềng số 8, bắt quỳ trước cột cờ và đánh đập dã man rồi lột hết áo quần, chỉ còn cái quần cộc và đưa xuống xà lim vào những ngày rét buốt xương. Đó là đêm Noel năm 1970.
Mới đây, có dịp ra thăm nhà tù Côn Đảo, khi nghe cô hướng dẫn viên kể những cực hình của tù nhân khi bị đày xuống xà lim, tôi có nói rằng, tôi đã từng "phấn đấu" rất khó nhọc để được một lần xuống đó. Cô hướng dẫn viên tròn xoe mắt nhìn. Nhưng khi nghe tôi kể xong câu chuyện, cô hiểu ra, mắt ngân ngấn nước...
Những diễn viên “bất đắc dĩ”
Năm 1971, địch tổ chức cuộc hành quân Lam Sơn 719 qua vùng hạ Lào để chặn đường chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Cuộc hành quân đã bị quân ta chặn đánh quyết liệt. Địch bị thương vong nặng, lực lượng thiếu hụt nghiêm trọng, ngụy quyền Sài Gòn bèn nảy ra "sáng kiến" là tận dụng số tù nhân hiện bị giam giữ trong các nhà lao bổ sung vào quân lính chúng. Nhận được thông tin, trong mấy anh em chúng tôi đã nổ ra những cuộc tranh luận nảy lửa. Người nói, cứ ra lính, thoát khỏi chỗ giam cầm này đã, rồi tìm đường trở về với cách mạng. Người can, chỉ vô trại huấn luyện của địch một ngày, thì cũng có tội với nhân dân, với cách mạng. Người nói, vướng vào lý lịch là địch thực hiện âm mưu “bôi lem” của nó rồi... Bàn đi tính lại, chúng tôi thống nhất là giả vờ ngã bệnh để không bị địch bắt đi lính. Sáu anh em được "chỉ định" sáu loại bệnh khác nhau, cứ thế mà sắm vai cho đạt.
Lê Văn Dăng nhận mình đau dạ dày, viêm loét hành tá tràng nặng với "cực hình" 6 tháng liên tục ăn cháo trắng. Ăn cháo trắng đến nỗi sau này nhìn cháo trắng là muốn ói!
Lê Minh Lái vốn rất gầy, giả bệnh bại liệt hai chân. Đến ngày 28-4-1972, khi anh em chúng tôi được bộ đội giải phóng giải thoát, Lê Minh Lái nhảy từ xe GMC xuống thì bị bại chân thật vì ít đi lại và thiếu chất, anh em phải dìu, cõng anh Lái lên đến làng Thượng Nguyên.
Đào Phồn người quắt lại, suy kiệt toàn thân do “tuyệt thực” cả chục ngày trời. Anh được coi là người đóng đạt nhất trong vai diễn của mình.
Hồ Xuân Thịnh lợi dụng lúc địch bắt leo lên mái lợp nhà thì lấy mẻ chai rạch vào người cho chảy máu rồi vắt mình lên bùng nhùng dây kẽm gai. Có người phụ họa la lối rằng Thịnh bất cẩn bị rơi từ trên mái nhà xuống và do đó được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi kiểm tra, chẳng hiểu căn cứ vào đâu, bác sĩ lại kết luận Thịnh bị vẹo cột sống và được phát cặp nạng để đi. Cho đến ngày được giải thoát, Thịnh vứt nạng chạy còn nhanh hơn cả những người lành lặn. Một vở kịch hoàn hảo đến từng chi tiết.
Riêng tôi lại chọn cách giả điên. Thoạt đầu, tôi chỉ bàn với Lê Văn Dăng, tôi vờ ra ngồi chơi ở một cái miếu nổi tiếng là thiêng trong khuôn viên nhà lao và tự ngã vào trong miếu, rồi được Lê Văn Dăng “phát hiện”, la lên và chạy đến cõng vào. Từ đó trở đi, tôi la hét ầm ĩ suốt đêm, mắt dại đi, giọng khản đặc. Tưởng thật, địch cử ông Trương Khắc Hạt, một bạn tù của chúng tôi làm trưởng phòng 3 mang áo quần chỉnh tề ra khấn tại khu miếu thiêng. Khi khấn xong, tôi chuyển sang… câm, suốt ngày im thin thít. Bắt đầu là chuỗi ngày lang thang, vạ vật quanh nhà lao, bạ đâu ngủ đó, áo quần xé rách te tua, bữa ăn, bữa nhịn, người gầy rạc và lơ mơ như bị điên thật. Có lúc bức bối quá, tôi liều mình nhảy đại vào bể nước đánh răng rửa mặt buổi sáng của anh em tắm cho thỏa thích, bị anh em phát hiện la ó ầm ĩ, kéo ra...
Vì bảo đảm bí mật, nhiều anh chị em bạn tù nhầm tưởng tôi bị điên thật nên rất thương. Họ còn thêu dệt rằng tôi ăn cả cóc sống. Ngay cả mẹ tôi cũng đang bị giam tại phòng 4a ban đầu cũng không biết, mãi về sau anh em tìm cách thông tin cho mẹ. Nhờ những chiêu "hành xác" đó mà chúng tôi không bị đưa đi lính cho đến ngày quê hương giải phóng...
Cờ Mặt trận trong nhà lao
Có lần anh em tôi muốn làm một việc lớn, đó là vào năm 1971, năm đánh dấu bước đầu khôi phục phong trào cách mạng ở địa phương sau những năm tháng khó khăn từ sau Tết Mậu Thân 1968. Vào khoảng thời gian đó, giám thị nhà lao cho xây cất thêm một phòng giam, gọi là phòng số 5. Địch chuyển số anh em đang bị giam cầm tại phòng số 1 mà theo chúng là phòng giam số tù nhân “nhẹ tội”, chờ ngày phóng thích. Nhưng chúng quên có Đào Phồn, Lê Minh Lái trong số đó.
Khi được chuyển qua phòng 5, anh em trong phòng đã thử hết các song sắt của tất cả các cửa sổ, phát hiện có một cặp song sắt do sơ suất trong xây dựng nên có thể nới rộng để ra ngoài được. Đào Phồn thử thò đầu ra. Về nguyên tắc đã thò đầu ra ngoài được thì cả thân mình cũng có thể ra được. Biết vậy anh em phòng số 5 bí mật liên lạc với phòng số 2 để làm “việc lớn”, là làm sao để có cờ và treo được cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngay trên cột cờ của địch tại trung tâm nhà lao. Nghĩ “việc lớn” xong, anh em hồ hởi nói với nhau rằng: Tối nay treo được cờ Mặt trận thì ngày mai lập tức đài BBC đưa tin ngay (vì biết rằng đài BBC rất nhạy) và cả thế giới đều biết. Ai nấy vui sướng như mở cờ trong bụng, bất chấp hiểm nguy, đêm không ngủ được, thao thức vì “ý tưởng mới”. Nhưng cờ đâu có mà treo? Ai là người ra treo? Đào Phồn dũng cảm nhận nhiệm vụ sẽ bí mật bò ra treo cờ. Nhưng điện sáng, lính gác xung quanh, nếu chúng phát hiện ra thì bắn ngay lập tức hoặc tra tấn đến chết. Còn cờ thì sao? Tôi và Lê Văn Dăng ở phòng số 2 nhận may, (vì phòng 2 là phòng không có cửa sổ nên có thể che được mắt địch). Hai chúng tôi vốn là những “thợ thêu” biết thêu rất đẹp nên may cũng sẽ rất đẹp, nhưng vải đâu để may? Suy nghĩ và tìm kiếm, may mắn trong số anh em trong phòng có người giữ được mảnh vải đỏ của tấm băng rôn đã cũ dùng để gói áo quần khi bị tống giam. Vải xanh thì lấy từ một chiếc áo bà ba màu xanh da trời. Riêng vải màu vàng để may ngôi sao không thể nào tìm được. Thế rồi chúng tôi nhắn sang phòng nữ (phòng 4a), động viên chị tù nhân được chúng cho đi chợ mua thức ăn hằng ngày, tuy có lính gác kèm theo nhưng nhắn chị cố tìm cách mua cho bằng được một tấm vải màu vàng nhỏ để đem vào mà địch không hề hay biết. Công việc may cờ bắt đầu, nhưng yêu cầu may làm sao cho giống như may bằng máy để địch khỏi phát hiện là do tù nhân may bằng tay, và khiến chúng có thể nghi ngờ nội bộ thanh trừng lẫn nhau. Thế rồi tôi và Lê Văn Dăng miệt mài ngày này sang ngày khác, đột từng mũi kim, kéo từng sợi chỉ thẳng tắp như máy may. May xong lá cờ Mặt trận nửa xanh, nửa đỏ, ngôi sao vàng ở giữa và hình dung nó sẽ tung bay hiên ngang trên cột cờ của nhà lao, chính giữa hang ổ địch ai cũng vui sướng đến chảy nước mắt. May xong chúng tôi phải cất giấu ngay bằng cách đào một lỗ nhỏ dưới viên gạch, gói vào một túi ni lông và cất chờ ngày hành động, tránh địch phát hiện bởi chúng thường tổ chức lục soát đồ dùng cá nhân của anh em. Nhưng hành động tự phát ấy của chúng tôi không được tổ chức trong nhà lao đồng ý vì nhìn thật kĩ vẫn biết ngay là lá cờ may bằng tay. Khi phát hiện điều này chắc chắn địch sẽ điên cuồng đánh đập dã man tù chính trị trong nhà lao, rồi kềm kẹp, đàn áp gây tổn thất cho phong trào. Thế là kết thúc “ý tưởng” được BBC đưa tin khắp thế giới, “việc lớn” nhưng vô cùng mạo hiểm của mấy anh em chúng tôi tuy không thành nhưng dù sao cũng là ý định táo bạo tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ trong ngục tù của địch.
Cuộc đào thoát bất thành
Trước khi nói về cuộc đào thoát không thành, tôi muốn nhắc về Nguyễn Ánh, quê ở thôn Quật Xá, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Ánh lúc đó mới chỉ 17 tuổi, rất đẹp trai, rất dũng cảm và là người bạn thân của tôi. Sau khi ra tù, Ánh thoát ly, tham gia cách mạng, đã hy sinh, mãi đến năm ngoái (vì trước đây chỉ biết quê Ánh ở Cam Lộ) tôi mới tìm được gia đình anh, xin thắp nén nhang để tưởng nhớ người đồng chí gan dạ, dũng cảm. Tôi hy vọng có một tấm ảnh để xem, để nhớ nhưng tuổi thanh xuân của anh đã ra đi mà không có một tấm hình để lại.
Dạo ấy, một số anh em chúng tôi gồm Phan Văn Thịnh, Lê Văn Dăng, Lê Hữu Thăng, Lê Phước Gia và Nguyễn Ánh... ở phòng số 2 lên kế hoạch đào thoát. Theo kế hoạch này, đợi dịp trời mưa to, gió lớn, Đào Phồn sẽ lén từ phòng số 5 ra, lấy thang của thợ điện và leo lên mái nhà. Một sợi dây đã được chúng tôi bện bằng những bao cát, có từng nút thắt để bám leo lên. Khi lên mái nhà, Phồn sẽ lật ngói để chúng tôi sẽ leo ra ngoài và tụt xuống bằng chiếc thang Phồn đã dựng sẵn, bởi vì ngôi nhà phòng 2 được xây rất cao, không có thang sẽ không xuống được.
Tuy nhiên đấy là mới nói chuyện thoát ra khỏi phòng, quanh phòng còn có một lớp hàng rào kẽm gai, rồi bức tường xây cao quanh nhà lao với 4 chốt lính gác ở 4 góc, có đèn pha quét qua quét lại suốt đêm, phía ngoài còn có bức thành gạch cao ngất của Thành cổ Quảng Trị, có đại đội lính bảo an canh gác. Anh em bàn, khi ra khỏi phòng sẽ lợi dụng các cây chuối đổ, ngụy trang kĩ và leo qua bức tường. Ra khỏi tường nhà lao, sẽ bò men theo thành của Thành cổ phía cửa Hậu rồi luồn vào cống thoát nước thoát ra khỏi thành, bởi vì khi chúng bắt anh em đi nạo vét lòng hồ quanh Thành cổ, chúng tôi đã quan sát kỹ các cống thoát này. Tuy nhiên còn phải vượt qua một mối hiểm nguy nữa đó là phải đi qua phường Đệ Tứ, nơi có nhiều gia đình ác ôn và binh lính ngụy ở. Một kế hoạch được lên vô cùng chi tiết, và chúng tôi hồi hộp chờ đợi. Một đêm, vào những tháng cuối năm 1971, lợi dụng trời mưa to, bão lớn, Đào Phồn từ phòng số 5 thoát ra tháo bóng điện cạnh phòng số 2 và lấy thang thợ điện leo lên mái nhà và thầm gọi chúng tôi thực hiện kế hoạch. Nhưng trước đó hai tiếng đồng hồ, chúng tôi không thông tin được cho Đào Phồn là phải hoãn kế hoạch vì chưa xin được chỉ thị của “bên ngoài” - tức là ý kiến chỉ đạo của Tỉnh uỷ. Những đồng chí lớn tuổi, có kinh nghiệm khuyên rằng: Khi tổ chức chưa đồng ý (vì đây là do chúng tôi tự phát) và chưa có chỉ thị “bên ngoài” thì chưa nên ra. Vì nếu ra mà không thoát được cũng bị khiển trách, nếu thoát được cũng sẽ có thời gian “xác minh”, vì biết đâu địch “thả”. Đó là nguyên tắc cẩn mật của Đảng trong thời kháng chiến, rồi mình sẽ phải chịu thời gian chờ đợi xác minh mà chắc chắn sẽ rất khổ tâm. Vậy là Đào Phồn phải quay lại phòng 5 trong tâm trạng buồn bã và thất vọng. Mấy anh em chúng tôi cũng chung tâm trạng như Phồn.
Sau ngày giải phóng 1972 chúng tôi mới biết có câu chuyện tương tự. Anh Nguyễn Văn Hiếu tức Nguyễn Xuân Thuỷ, Huyện đội phó Hải Lăng, một con người vô cùng dũng cảm, nổi tiếng đánh giặc, đánh nhiều trận, diệt nhiều Mỹ và ngụy, được tặng thường nhiều huân chương, huy chương, anh xứng đáng nhiền lần anh hùng. Năm 1970, trong một lần bị địch vây anh đã chiến đấu quyết liệt nhưng vì hết đạn nên bị địch bắt. Để đánh lừa địch, anh vờ khai có cất giấu vũ khí ở trên động Ông Do (Hải Lăng). Địch vội tin lời anh và đưa anh đi chỉ chỗ để lấy. Lên đến đó anh giả vờ đau bụng rồi xin “đi vệ sinh”, buộc địch phải mở còng số 8 cho anh đi. Cây rừng rậm rạp, đồi núi dốc cao, vực sâu, anh Thuỷ liền liều chết lao mình xuống vực trốn thoát rồi tìm về cơ quan anh đang đóng trên rừng trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Bởi anh Thuỷ nổi tiếng là người gan dạ, dũng cảm, mưu trí đến mức địch tập trung săn lùng quyết bắt và diệt cho được anh, nên địch canh giữ anh rất gắt gao. Vì thế chuyện anh trốn thoát khiến người ta “đặt dấu hỏi”(!) Thế nên sau khi trốn thoát, anh phải mất một thời gian để tổ chức “làm rõ”, chưa khôi phục được Đảng tịch cho anh, chưa cho anh về đơn vị để tiếp tục đánh giặc. Anh “được” chuyển lên làm huấn luyện viên tại trường quân chính Tỉnh đội ở miền Tây. Cho đến nay vẫn chưa có một kết luận nào thỏa đáng cho anh Thủy dù anh đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều cấp.
Có lẽ chúng tôi đã may mắn không thực hiện cuộc trốn thoát tự phát, nếu không, biết đâu lại vướng vào hoàn cảnh như anh. Chiến tranh luôn có những góc khuất của nó mà nếu không là người trong cuộc sẽ khó mà thấu hiểu trọn vẹn.
Cuộc giải thoát mùa hè 1972
Những ngày sau Tết Nhâm Tý (1972) ở Quảng Trị là khoảng thời gian khiến anh em trong lao xá trông chờ nhất. Nằm trong nhà lao, đêm đêm nghe tiếng súng nổ từ phía Gio Linh, Cam Lộ, biết quân ta đang đánh mạnh nhưng không một ai biết chiến dịch giải phóng Quảng Trị đang bắt đầu. Lắng trong những tiếng nổ vọng về qua màn đêm dày đặc kia, chúng tôi đoán âm thanh của tiếng đạn pháo để biết những hỏa lực mà quân ta đang dùng. Và niềm vui cứ âm ỉ nhen lên, không ai bảo ai nhưng tất cả đều tin ngày Quảng Trị giải phóng sẽ không còn xa nữa.
Sau này khi ra khỏi nhà lao chúng tôi mới biết vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-3-1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Quảng Trị do tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, tướng Lê Quang Đạo làm Chính ủy đã phát lệnh nổ súng trên toàn mặt trận. Giai đoạn một của chiến dịch bắt đầu. Hàng chục trận địa pháo với hàng trăm khẩu pháo các loại cùng gầm lên như sấm rền, chớp giật. Tất cả các căn cứ của hàng rào điện tử Mắc Namara đều rung lên trong tiếng nổ của các loại đạn pháo chiến dịch trút xuống, tiếp đó quân ta đánh chiếm căn cứ Phulơ và đồi Tròn, vốn được mệnh danh là “con mắt thần” trên tuyến hàng rào điện tử và tiếp đó đánh chiếm Cồn Tiên, Dốc Miếu. Quân địch bỏ tuyến phòng thủ mà chúng cho là “bất khả xâm phạm” tháo chạy. Thừa thắng xông lên, quân ta đánh vào Quán Ngang, giải phóng Gio Linh, Cam Lộ. Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống chính quyền Sài Gòn bay ra thị sát tình hình và lệnh cho vùng 1 chiến thuật và Sư đoàn 3 quân ngụy quyết tâm “tử thủ” vùng đất này.
Bắt đầu giai đoạn hai của chiến dịch, pháo binh ta nã đạn dữ dội vào Đông Hà, Ái Tử, La Vang. Tiếp đó các mũi bộ binh, cơ giới lợi dụng pháo bắn và đêm tối đưa đội hình vào chiếm lĩnh trận địa. Địch điên cuồng phản kích, cuộc chiến đấu trở nên giằng co và ác liệt. Đêm đêm, máy bay phản lực F105 của địch gầm thét, máy bay C130 dai dẳng suốt đêm bắn như đổ đạn xuống các vùng ngoại vi Đông Hà, Ái Tử, La Vang. Mỹ - ngụy điều cả máy bay B52 oanh tạc để ngăn chặn sự tấn công của quân ta. Đèn dù, pháo sáng địch thả suốt đêm, kết hợp với hoả lực của Quân giải phóng bắn vào nên bầu trời phía tây và phía bắc lúc nào cũng sáng rực. Chiều 28-4, Đông Hà được giải phóng, căn cứ Ái Tử bị quân ta tấn công đánh chiếm, tiếp đến đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng được giải phóng. Bị mất thêm Ái Tử, quận lỵ Hải Lăng, 11 giờ 30 phút ngày 1-5-1972, quân địch ở La Vang, thị xã Quảng Trị hoảng hốt tháo chạy, quân ta tiến vào giải phóng thị xã Quảng Trị, lần đầu tiên trong lịch sử ta có vùng giải phóng nối liền với hậu phương miền Bắc và Trung Lào…
Đó là tất cả những gì sau này chúng tôi được biết về chiến dịch giải phóng Quảng Trị, còn vào thời điểm ấy, trong nhà lao anh em vẫn không biết làm gì hơn là lắng nghe tiếng đạn pháo ì ầm, suy đoán các mũi tấn công của quân ta và lặng lẽ chờ đợi.
Rồi tin mật báo từ bên ngoài cũng được chuyển vào lao xá, chắc chắn Quảng Trị sẽ được giải phóng. Vui mừng, hồi hộp, chờ đợi từng đêm, từng đêm. Và chỉ tưởng tượng cảnh đến ngày quân ta tiến vào Quảng Trị, phá cửa nhà lao giải phóng tù nhân là tất cả anh em như được tiếp thêm sinh lực. Ai cũng nao nức chuẩn bị cho cái ngày ấy một cách âm thầm mà mãnh liệt: Chuẩn bị phương tiện để phá khóa cửa phòng giam (nhưng rốt cuộc cũng không có cách gì khác vì khóa quá chắc, chỉ trông chờ anh em bộ đội mình vào phá). Chuẩn bị chìa mở khoá còng số 8, vì nếu quân ta chưa kịp đánh vào mở cửa nhà lao, địch có thể còng tay tù nhân chở chạy. Lại thêm việc chuẩn bị dày dép, “cùi” (cách anh em hồi ấy gọi cái ba lô) thật chắc chắn, đảm bảo để rời khỏi nhà lao một cách an toàn, kỹ lưỡng khi quân ta vào giải phóng. Dép thì hầu hết anh em đã đi dép lốp, chỉ gia cố lại cho chắc và làm thêm quai hậu, “cùi” thì lấy bao cát để làm hoặc ai có được bao đựng bột mỳ thì đi hái lá rau khoai, giã ra lấy nước nhuộm màu cho đen sẫm lại như một cách ngụy trang.
Mỗi ngày, cứ tối đến là chúng tôi cho áo quần vào cùi, đợi Quân giải phóng vào. Đến gần sáng lại lấy ra vì sợ bọn giám thị phát hiện. Cứ như vậy đêm này qua đêm khác, tiếng súng nổ ngày một gần, nhất là khi biết quân ta đã đánh vào sân bay Ái Tử, trung đội Mai Quốc Ca đánh chiếm cầu Ga (nay gọi là cầu Thạch Hãn). Địch đang ra sức chống cự để bảo vệ dinh luỹ cuối cùng. Tiếng súng AK của Quân giải phóng ngày càng giòn giã, tiếng súng AR15 của địch ngày càng yếu ớt, lòng càng rộn ràng. Ngày 24-4-1972, quả đạn pháo đầu tiên, rồi sau đó thỉnh thoảng có vài quả pháo Quân giải phóng bắn vào Thành cổ. Có anh em vui sướng quá, không hề lo lắng đến chuyện tên bay đạn lạc có thể mất mạng, giả vờ trèo lên cây trứng cá hái quả nhưng thực ra là để xem pháo ta nổ. Ai cũng tin tưởng pháo Quân giải phóng không bao giờ bắn vào nhà lao, dù chỉ cách một bức tường thành. Bọn cai ngục, lính tráng hoang mang, lo sợ, một số tỏ vẻ “ăn năn” để được khoan hồng nếu quân ta đánh vào nhà lao. Anh chị em tù nhân thì vui mừng, phấn khởi, đêm đêm không ai ngủ được. Nhưng rồi chờ mãi, chờ mãi, Quân giải phóng vẫn chưa vào, nét thất vọng, khắc khoải, lo âu bắt đầu hiện lên khuôn mặt một số anh chị em.
Mờ sáng ngày 27-4-1972, bầu trời Thành cổ trong veo báo hiệu một ngày nắng đổ lửa dù thời tiết chỉ mới chớm vào hè. Khác với những ngày bình thường, hôm ấy bọn giám thị vào mở cửa sớm hơn, tập trung tất cả anh chị em lại. Cổng nhà tù bật mở, năm chiếc xe vận tải, loại xe GMC, đợi sẵn để chở tù nhân vào Đà Nẵng hoặc đi Côn Đảo. Cũng chính lúc đó, quân địch chợt nhốn nháo. Tin Quân giải phóng đã đánh chiếm quận lỵ Hải Lăng, cắt đứt quốc lộ số 1, bịt chặt đường rút chạy của địch, không còn con đường nào khác, những tên quản ngục vội vàng khép hai cánh cửa nhà lao, tù nhân được đưa vào phòng nhốt kín. Một ngày trôi đi thật dài. Từ phía Gio Linh, Cam Lộ, Ái Tử tiếng súng, tiếng đạn pháo vẫn vọng về, rất gần, gần lắm. Cho đến khi màn đêm buông xuống, những niềm hy vọng lại loé lên: Có thể đêm nay quân ta sẽ vào kịp.
Đêm ấy, 27-4-1972, Quảng Trị tiếp tục rung chuyển bởi tiếng đạn pháo từ bốn phía. Cả nhà lao không một ai chợp mắt, đêm nằm nghe tiếng súng, dán mắt qua song sắt chứng kiến bầu trời sáng rực những quầng lửa của bom đạn, bồn chồn, thấp thỏm…
Một đêm nữa trôi qua.
5 giờ sáng ngày 28-4-1972, cả thị xã Quảng Trị như rơi vào trong cơn hoảng loạn. Khi những hàng cây trứng cá còn đẫm hơi sương, 5 chiếc xe GMC cùng một đại đội lính bảo an mang đầy súng đạn ập vào. Mấy tên giám thị chờ sẵn phía ngoài, cánh cửa nhà tù một lần nữa bật mở. Chúng nhanh chóng điểm mặt từng tù nhân, còng tay lại và đẩy lên xe GMC. Tôi bị còng tay đưa lên chiếc xe chạy trước, mẹ tôi bị đưa lên chiếc xe thứ ba. Tù nhân nhiều, còng số 8 không đủ dùng nên chúng đã dùng hai người một còng, với số tù nhân còn lại chúng dùng dây buộc tay người này với người kia, chủ yếu là các chị em phụ nữ và những người già.
Đúng 6 giờ sáng, đoàn xe gồm 5 chiếc GMC chở hơn 200 tù nhân của lao xá Quảng Trị cùng hai xe khác chất đầy lính hộ tống dẫn đầu và khóa đuôi bắt đầu lăn bánh. Sau gần 4 tiếng đồng hồ, đoàn xe áp giải tù nhân vẫn không đi lọt trên đoạn đường dài chưa đến năm cây số đang chật ních xe cộ. Trời bắt đầu nắng nóng, những cơn gió Lào đến sớm hơn mọi năm và dường như nóng rát hơn bởi được đốt thêm với lửa bom khói pháo. Anh em tù nhân chúng tôi vẫn bị lèn chặt trên những chiếc xe nhà binh. Bao nhiêu ngày tháng bị giam giữ trong bốn bức tường đá lạnh của nhà lao, giờ vẫn chưa thoát khỏi cảnh xiềng xích nhưng ánh nhìn của chúng tôi đã khoáng đạt hơn. Và dường như quên mất là địch sẽ đưa chúng tôi đến một nhà tù khác, xa xôi hơn, khắc nghiệt hơn, quên mất xung quanh bom đạn đầy trời, tôi đưa mắt nhìn ra những trảng cát mênh mông của quê nhà nghèo khó bên con đường số 1 thiên lý.
Vẫn là động cát Hải Thượng trắng xóa như sa mạc bởi không một bóng cây. Gió Lào thổi ù ù cuốn thành xoáy bụi. Những khóm xương rồng dại đầy gai vẫn trơ thân trong nắng rát. Từng đoàn xe nhà binh thất trận từ Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Ái Tử, Triệu Phong tháo chạy vào phía Nam. Các phương tiện xe đò, xe tải, máy kéo, tất cả những gì có thể chuyển động được, chuyên chở được của cả tỉnh Quảng Trị đã dồn về đây khiến nhìn con đường dễ liên tưởng đến một tổ ong bị vỡ, đặc kín xe và người. Đủ các sắc lính cũng tả tơi rút về phía Mỹ Chánh, Huế… Có thể nhận ra lính của Sư đoàn 3 bộ binh Sài Gòn, tàn quân của các trung đoàn, lữ đoàn chủ lực ngụy, các đại đội lính bảo an, hàng trăm trung đội lính dân vệ và hàng vạn người dân gồng gánh di cư, sơ tán chen chúc nhau từng bước một. Cảnh tượng chưa từng có trong lịch sử trên miền quê nghèo, dằng dặc bao nhiêu năm bom đạn chiến tranh do nằm ở vị trí địa đầu giới tuyến.
Thiếu tướng Lê Hữu Thỏa; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Hữu Thăng;
Chủ tịch hội tù Chính trị Quảng Trị Hoàng Phùng Gặp mặt nhân kỷ niệm 30 năm ngày thoát tù (28-4-1972 - 28-4-2002)
 
Chính vào lúc tôi đang còn miên man suy tư và quan sát khung cảnh loạn lạc chiến tranh ấy trên con đường ngang qua quê nhà thì tiếng súng bất ngờ rộ lên. Khi đó là 10 giờ sáng ngày 28-4-1972, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 do hai đồng chí quê Quảng Trị là Trung đoàn trưởng Lê Hữu Thỏa và Chính ủy Lê Thế Danh chỉ huy chặn đánh, cắt đứt đường quốc lộ số 1 tại vị trí cầu Dài bắc qua sông Nhùng thuộc địa phận huyện Hải Lăng. Các loại phương tiện chiến tranh như xe tăng, xe bọc thép, xe GMC, xe Jeep… liều mình băng qua động cát, băng xuống đầm lầy bị “pan” không chạy được, vứt bỏ ngổn ngang hàng trăm chiếc. Một số khác chạy theo quốc lộ số 1 cũ để hòng vượt qua cầu Nhùng thì bị du kích xã Hải Thượng đánh chặn. Địch vứt xe chạy thục mạng. Nhiều tên tìm về làng nhờ bà con dẫn đi gặp Quân giải phóng xin đầu hàng. Một số ít bị thương được nhân dân và cán bộ y tế của ta băng bó, cứu chữa. Những chiếc xe tăng bị địch vứt lại không còn cả thời gian để tắt máy, do còn xăng nên máy cứ nổ ầm ĩ suốt mấy ngày vì không ai biết tắt động cơ.
Nhìn khói bụi mịt mù cộng với tiếng xe, tiếng còi inh ỏi, hòa trong tiếng đạn pháo của Quân giải phóng tạo thành một vùng âm thanh hỗn độn thật khó tả, sau này có người gọi đó là âm thanh của “mùa hè đỏ lửa”. Cùng thời điểm đó, xe chở tù nhân đã vào đến cầu Bốn Thước (nay gọi là cầu Dài 2), cách cầu Dài chưa đầy nửa cây số. Địch đang trong tình thế “hỗn quân hỗn quan”, không kịp thủ tiêu tù nhân dù đã có lệnh. Quanh chúng tôi lúc bấy giờ lửa đạn rực trời, hàng ngàn người dân gồng gánh đi tránh đạn không ngờ rơi vào giữa tâm điểm chiến trường, nỗi hoảng loạn lên đến cùng cực. Sau này khi tìm hiểu về giai đoạn này trong chiến dịch 1972 tôi đã nhìn thấy những bức ảnh tư liệu kinh hoàng. Và đó là một ám ảnh của chiến tranh mà chúng tôi suốt đời không thể nào quên được. Một số lính tráng vứt súng đạn, cởi hết đồ lính trận rồi trà trộn vào dân để thoát thân. Sau này khi lấn chiếm được thị xã Quảng Trị, quân ngụy đã viết mấy chữ rất to vắt ngang qua đoạn đường này bằng sơn trắng “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG” để nhắc đến nỗi hoảng loạn chưa từng có trên đoạn đường này.
Trở lại với đoàn xe chở tù nhân của chúng tôi. Khi đoàn xe ra khỏi thị xã Quảng Trị, đứng chật ních trong chiếc xe GMC, anh em tù nhân đã bí mật mở hết khoá còng số 8, cắt hết dây buộc tay, đợi thời cơ để chạy thoát. Thời cơ đến, vui sướng quá, mấy chị em cất giọng hát mấy câu trong bài hát Nghe tiếng pháo Khe Sanh của Đức Nhuận: “Bắn nữa đi anh, bắn nữa đi anh, bắn cho quân chúng nó tan tành…”, đồng thời hô to “Nhảy!”, “Chạy!”. Thế là người này nhảy lên lưng người nọ, lao xuống mặt đường đang bị xới tung bởi đạn pháo. Có lẽ cuộc thoát ngục này không ai có thể hình dung ra được. Một cuộc giải cứu tù nhân tình cờ giữa bao nhiêu sự bất ngờ của chiến tranh. Lạ một điều là lúc ấy bom đạn mù trời đến vậy nhưng chỉ có chị Trần Thị Châu (quê xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng) hy sinh, còn hầu hết tù nhân trong đoàn chạy thoát được. Nhiều người, trong đó có mẹ tôi, chạy lên làng Thượng Nguyên (xã Hải Lâm, phía tây quốc lộ 1). Tôi và bốn anh em khác nhảy xuống khe nước, lội ra sông Nhùng, men theo dòng nước về phía làng Thượng Xá, xã Hải Thượng, quê nhà của tôi. Ai cũng hy vọng sẽ gặp được cán bộ địa phương sớm để được cầm súng tham gia chiến dịch. Nhưng hai chiếc máy bay khu trục của địch ném bom, đánh phá quá rát, anh Thiết bị thương nhẹ, nhóm chúng tôi phải quay trở lại vượt đường quốc lộ số 1 chạy lên làng Thượng Nguyên.
Vừa vượt qua quốc lộ 1, chúng tôi gặp anh Lê Hồng Ninh (quê xã Hải Khê, Hải Lăng) bị thương cụt hai chân từ trước khi bị bắt, ngồi chơ vơ giữa thửa ruộng bên cạnh cầu. Không xa chỗ anh Ninh ngồi là chị Hồ Thị Tin (quê xã Hải Thành, Hải Lăng) là thương binh gãy một chân khi bị bắt, phải đi nạng. Chị Tin ngỡ anh em đã chạy hết rồi, chỉ còn hai người giữa trận địa, gặp chúng tôi, nước mắt chị cứ ứa ra vì mừng rỡ.
Năm anh em trong nhóm chúng tôi phải thay nhau cõng anh Ninh và chị Tin lội qua cánh đồng chạy lên hướng làng Thượng Nguyên. Đến làng Thượng Nguyên được gặp mẹ, bao nhiêu vất vả, mệt nhọc, âu lo trong suốt một ngày trời dưới bom đạn như trút hết. Vậy là mẹ còn sống.
Tối hôm đó, tất cả mọi người được bộ đội giải phóng cho ăn một bữa cơm với canh thịt hộp. Dù bát canh lõng bõng nước được nấu trên chiếc bếp Hoàng Cầm nhưng đó là bữa ăn ngon nhất trong đời tôi. Cho dù sau này có dịp được thưởng thức nhiều bữa ăn thịnh soạn của nhiều miền đất xa xôi trên thế giới, nhưng bát canh thịt hộp được ăn sau bao nhiêu năm lao tù không biết đến mùi thịt luôn là một “ấn tượng ẩm thực” không thể nào phai. Ăn xong, hai mẹ con tôi cùng anh em lo tập trung cùng bộ đội đào hầm trú ẩn. Căn hầm đào xong, với tấm nilông để che sương của mấy anh bộ đội cho mượn, giấc ngủ đầu tiên sau những ngày trong tù ngục đến thật nhanh và thật sâu.
Đến 12 giờ trưa hôm sau, ngày 29-4, cả đoàn có lệnh phải rời khỏi thôn Thượng Nguyên ngay, vì theo tin tình báo: tối 29- 4 máy bay B52 sẽ ném bom xuống nơi đang trú ẩn. Đúng như tin báo, đêm đó ba chiếc máy bay B52 đã oanh tạc xuống thôn Thượng Nguyên, một số bộ đội ta thương vong.
Trên bầu trời lúc đó, khi nào cũng có hai chiếc máy bay do thám OV-10. Nếu máy bay OV-10 phát hiện ra thì lập tức pháo ngoài hạm đội sẽ nã vào và máy bay phản lực sẽ ném bom, nhưng cấp trên lệnh phải hành quân giữa ban ngày. Ai cũng phải làm một vòng lá ngụy trang che hết cả thân người. Cứ mỗi lần máy bay vòng đến thì mọi người nằm xuống, vòng lá ngụy trang của mỗi người cứ nối tiếp vào nhau như một bờ ruộng xanh um lá hoặc một hàng cây, máy bay khó có thể phát hiện. Máy bay địch bay xa, lại đứng bật dậy chạy. Cứ thế, nằm xuống rồi đứng dậy chạy, không biết mấy chục lần trên đoạn đường đồi núi trập trùng không cây cối chưa đầy bảy cây số. Riêng tôi và anh Phan Đình Kịch phải cõng anh Lê Minh Lái vì khi anh em dìu đến làng Thượng Nguyên thì anh Lái bị bại liệt hẳn, không thể nào dìu đi được. Vậy là từ một người đóng vai vờ bị bại liệt hai chân để trốn lính trong nhà lao, nay anh Lái trở thành người bị bại liệt thật. Chừng xế chiều, chúng tôi lên đến căn cứ huyện Hải Lăng tại bến Mụ Quốc ở rừng giáp ranh. Đồng chí Bùi Văn Huy - Phó Bí thư Huyện ủy và đồng chí Hoàng Khương, Uỷ viên Thường vụ Huyện ủy ra đón chúng tôi trong niềm hân hoan phấn khởi. Đêm đó, chúng tôi được nghe lãnh đạo huyện thông báo rõ hơn chủ trương giải phóng Quảng Trị và diễn biến tình hình chiến sự.
Chỉ sau hai đêm ở lại căn cứ, mẹ tôi tạm biệt tôi để cùng nhiều anh chị em khác lên đường đi “miền Tây” tức là lên căn cứ cách mạng ở Tà Rụt (nay thuộc địa bàn huyện Đak Rông, giáp A Lưới) hoặc qua vùng rừng núi thuộc tỉnh Salavan (Lào). Ngay sau đó, tôi cùng một số đồng chí trẻ có sức khoẻ được mang súng trở về đồng bằng để truy quét địch. Những ngày hoạt động cách mạng sôi nổi lại bắt đầu.