Doanh nghiệp FDI và những diều cần suy nghĩ

         
Theo thống kê trong 139 quốc gia trên thế giới về mức độ kết nối toàn cầu, thì Việt Nam đứng thứ 37. Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) thì nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ nhưng lại có mức độ hội nhập lớn, và dễ bị tác động bởi các biến động của kinh tế thế giới. 

 

Để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế VN sau khủng hoảng khi mà khu vực các doanh nghiệp trong nước đang bị ảnh hưởng nặng nề và rơi vào trì trệ, Việt Nam buộc phải tìm cách đẩy cao hơn quy mô của khu vực FDI trong nền kinh tế, dẫn đến việc Chính phủ và các địa phương trong cả nước tìm mọi cách để mời gọi các dự án đầu tư FDI theo tiêu chí về số lượng càng nhiều càng tốt, thậm chí là giảm bớt những tiêu chuẩn và quy định cần thiết cho các dự án đầu tư FDI cũng như dành cho các dự án này rất nhiều ưu đãi về thuế hay đất đai.

Điều này đã dẫn đến việc, phần lớn các dự án đầu tư FDI trong giai đoạn sau năm 2011 không được quy hoạch một cách cẩn trọng. Một trong số đó là việc khu vực FDI nhanh chóng bành trướng vào các lĩnh vực và ngành nghề vốn đang có những khoảng trống rất lớn do nền kinh tế bị khủng hoảng trong giai đoạn 2007-2011 tạo ra và để lại. Khá nhiều những lĩnh vực quan trọng đóng vai trò mũi nhọn của nền kinh tế dần bị khu vực FDI áp đảo và chi phối. 
Chẳng hạn như trong lĩnh vực máy tính và linh kiện điện tử, khu vực FDI chiếm tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu có giá trị lên tới 34,3 tỉ USD. Điều tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực sản xuất điện thoại khi khu vực FDI chiếm tới hơn 98%; hay như trong lĩnh vực dệt may và giày da thì khu vực FDI cũng chiếm tới 67% tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá khoảng 25,7 tỉ USD. Trong số khoảng 11 lĩnh vực hiện tại trong nền kinh tế Việt Nam có giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD mỗi năm, thì hầu hết đều nằm trong tay các doanh nghiệp FDI, chỉ có một số ít các lĩnh vực như xuất khẩu nông sản là ngoại lệ.
Không chỉ để khu vực FDI nắm giữ các lĩnh vực chủ chốt nhất của nền kinh tế, việc thiếu quy hoạch một cách bài bản các dự án đầu tư FDI trong những năm qua còn dẫn đến hậu quả là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang rất kém phát triển, đồng thời giá trị lan tỏa của các dự án FDI trong nền kinh tế rất thấp. 
 Ngoài ra, việc chấp nhận các dự án FDI một cách ồ ạt thiếu kiểm soát và thiếu quy hoạch còn dẫn đến việc hầu hết các dự án FDI vào Việt Nam đều thuộc dạng công nghệ trung bình và thiên về thâm dụng lao động, có giá trị gia tăng rất thấp. Nó dẫn tới các nguy cơ về ô nhiễm môi trường và thậm chí có thể biến Việt Nam trở thành nơi chứa các rác thải về công nghệ lạc hậu.
Tuy nhiên, hậu quả lớn nhất của việc khu vực FDI ngày càng chiếm một vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế Việt Nam là việc chúng ta đang quá phụ thuộc vào khu vực FDI, và điều này có thể đem tới những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai. Ngoài việc khu vực FDI đang chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tính đến cuối năm 2015, thì nó cũng đang làm tăng mức độ rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam có thể gặp phải. Trước hết, việc ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI khiến cho nền kinh tế Việt Nam càng dễ bị tác động bởi các biến động của nền kinh tế toàn cầu. 
Theo thống kê trong 139 quốc gia trên thế giới về mức độ kết nối toàn cầu, thì Việt Nam đứng thứ 37. Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) thì nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ nhưng lại có mức độ hội nhập lớn, và dễ bị tác động bởi các biến động của kinh tế thế giới. Nói cách khác, nếu như trong tương lai một sự kiện tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi 1997 diễn ra lần nữa, thì nền kinh tế vốn phụ thuộc rất nhiều vào khu vực FDI của Việt Nam sẽ chịu những tác động rất lớn.
Ngoài ra, việc quá phụ thuộc vào khu vực FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu, có thể khiến nền kinh tế Việt Nam gặp rủi ro lớn trong khoảng một thập kỷ tới. Vì các doanh nghiệp FDI luôn có xu hướng di động và chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác nếu có những lợi thế tốt hơn, và điều này có thể gây ra xáo trộn lớn cho nền kinh tế trước đó từng là cứ điểm của đầu tư FDI.