Doanh nghiệp kiến nghị

  Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân đã đưa ra 8 kiến nghị đối với người đứng đầu Chính phủ.

 

Tại hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển của kinh tế đất nước” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra sáng 29/4, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân đã đưa ra 8 kiến nghị đối với người đứng đầu Chính phủ.

Thứ nhất: Ưu tiên tập trung xây dựng và trình Quốc Hội ban hành Luật  hỗ trợ DNNVV để giải quyết những nguyên nhân, tồn tại và hạn chế trong thực hiện trợ giúp DNNVV, đảm bảo tính hiệu lực pháp lý cao nhất thúc đẩy việc thực thi chủ chương chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển DNNVV.

Đồng thời cần kiện toàn ngay công tác tổ chức chỉ đạo, điều hành hoạt động trợ giúp DNNVV bằng cách thành lập Ủy ban Quốc gia về hỗ trợ phát triển DNNVV do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban, thành viên bao gồm một số bộ ngành và tổ chức đại diện doanh nghiệp nhằm tạo nên và đạt được sự chỉ đạo, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ các chính sách từ nhiều bộ, ngành liên quan hỗ trợ phát triển DNNVV.

Thứ hai: Xây dựng và sớm trình Quốc Hội ban hành Luật về Hội nhằm thúc đẩy phát triển các hiệp hội ngành nghề với sự tham gia sâu rộng của DNNVV, để các Hiệp hội có chỗ dựa pháp lý vững chắc, rõ ràng phát huy sứ mệnh của mình trong việc đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tếxã hội của đất nước, sự phát triển của từng ngành hàng và sự phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Thứ ba: Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình khởi nghiệp quốc gia, do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo, với các thành viên là chuyên gia có trình độ, từ các bộ ngành (không nhất thiết phải là lãnh đạo bộ, ngành), một số hiệp hội, các viện nghiên cứu và trường đại học để xây dựng và giám sát việc thực thi chiến lược phát triển khởi nghiệp quốc gia với đủ thẩm quyền và chế độ đãi ngộ thích hợp, có cơ chế tiếp thu ý kiến của giới doanh nhân và trí thức nghiêm túc.

Thứ tư: Tạo cơ chế chính sách khuyến khích các Hiệp hội, các nhà đầu tư tổ chức xây dựng các kho ngoại quan ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm cho các DNNVV, để bổ sung thêm những điều kiện thuận lợi nhất cho DNNVV trong việc tiêu thụ sản phẩm ở thị trường quốc tế. DNNVV có trách nhiệm góp vốn đầu tư hoặc thuê hạ tầng của kho ngoại quan.

Thứ năm: Tạo hậu thuẫn bằng cơ chế, chính sách như: giảm thuế TNDN; lãi suất tái cấp vốn từ NHNN tương ứng số tiền cho DNNVV vay, chỉ định doanh nghiệp “đầu mối” nằm trong chuỗi sản xuất ngành hàng đứng ra bảo lãnh bên thứ 3 hoặc nhận nợ. Nhằm khuyến khích các NHTM và Quỹ tín dụng có chương trình, gói tín dụng ưu đãi cho DNNVV tham gia chuỗi sản xuất liên kết ngành, sản xuất sản phẩm có có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh thông qua ứng dụng các thành tựu nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, quản lý nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất lao động, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Thứ sáu: Tạo cơ chế chính sách khuyến khích các hiệp hội, các nhà đầu tư Phát triển kênh phân phối bán lẻ nội địa liên kết cung cấp – chế biến, sản xuất – tiêu thụ trong nước với nòng cốt là các DNNVV được ưu tiên tiếp cận kênh tín dụng qua quĩ bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển DNNVV; Các Trung tâm thương mại có tỷ lệ bán hàng sản xuất nội địa trên 85 %  được ưu đãi về thuế, phí, tín dụng ...

Thứ bảy: Tạo cơ chế chính sách khuyến khích các hiệp hội, các nhà đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp đầy đủ hạ tầng cho các DNNVV thuê với giá thấp hoặc miễn tiền thuê trong một số năm đầu, điều kiện thủ tục thuận lợi và nhanh chóng.

Thứ tám: Tiếp tục đẩy mạnh CCTCHC trong đó đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực liên quan đến cung cấp dịch vụ công, đôn đốc các cơ quan nhà nước đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các TTHC theo hình thức trực tuyến, góp phần tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần của Nghị Quyết số 19/NĐ-CP. Đồng thời giao cho một số tổ chức xã hội nghề nghiệp là thành viên của UBTW MTTQ Việt Nam thực hiện việc khảo sát điều tra đánh giá mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp đối với cán bộ công chức trực tiếp giải quyết TTHC trong một số lĩnh vực: Thuế, hải quan, thành lập doanh nghiệp, đầu tư...