Vì sao người dân Thái Lan tôn kính đến thế

 

 Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej là vị vua hiếm hoi trị vì lâu năm nhất trên thế giới, cùng lúc có quyền lực trên chính trường, sự sùng kính của người dân trong nước và trọng thị của nước ngoài.

  Dù hiếm khi xuất hiện trước công chúng bởi tuổi cao sức yếu, nhưng sự hiện diện của nhà vua hầu như ở khắp mọi nơi trên đất Thái.

Kế vị anh trai là Vua Anada Mahidol vào năm 1946, Vua Bhumibol lên ngôi Quốc vương Thái Lan vào ngày 5/5/1950 tại Cung điện Hoàng gia ở Bangkok. Sau gần 7 thập kỷ cầm quyền, ông là người trị vì lâu nhất trong lịch sử Thái Lan.

   Với người dân Thái, Vua Bhumibol chính là hiện thân của một vị “Thánh sống” khả kính và mến yêu. New York Times nhận định: dường như các thần dân của Vua Bhumibol coi họ chỉ là ‘cát bụi dưới chân người’. 

Quốc vương Thái Lan, Quốc vương Bhumibol Adulyadej, Vua Bhumibol Adulyadej,

    Khi mới lên ngôi, năm nào ông cũng tự lái xe jeep đi hàng chục ngàn cây số, cùng hoàng hậu, tới những nơi hẻo lánh, xa xôi để thị sát đời sống người dân còn khốn khó. Ông là người lập ra các dự án hoàng gia, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, tìm các biện pháp giúp người dân giải hạn, đào kênh rạch trữ và điều tiết nước.

Vua Bhumibol sinh ra tại Hoa Kỳ, phần lớn tuổi thanh xuân sống ở phương Tây. Ông tốt nghiệp tú tài văn chương Pháp, sở trường là chơi nhạc jazz. Nhưng điều đặc biệt, ông là một trong số ít người nhận được rất nhiều bằng sáng chế trong và ngoài nước, đặc biệt là về kỹ thuật.

 “Chưa từng có ai trong lịch sử của Vương quốc Thái Lan đã nỗ lực để cải thiện đời sống người dân như vua Rama IX. Ông đã khởi động hàng ngàn dự án mang lại lợi ích lớn lao cho người dân và đất nước. Đó là lý do vì sao mọi gia đình, văn phòng, tòa nhà công sở đều treo ảnh nhà vua” – Maximilian Wechsler, một chuyên gia nước ngoài, nhận định về các dự án do Vua Bhumibol thực hiện.

Vua Bhumibol cũng là vị vua hiếm có tại Thái Lan ghi dấu ấn của vương quyền trong những thời khắc quan trọng của đất nước.

New York Times nhận định Vua Bhumibol đóng vai trò cốt yếu cho bản sắc của Thái Lan, và là lực lượng chính gắn kết đất nước, đóng vai trò quan trọng trong quá trình Thái Lan chuyển đổi thành đất nước dân chủ.

Năm 2003, hàng trăm người Thái đã tụ tập bên ngoài sứ quán Campuchia tại Bangkok, giật đổ tường và tìm cách tràn vào tòa nhà để trả đũa vụ sứ quán Thái Lan tại Phnom Penh ở Campuchia bị đốt. Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Thái Lan thông báo cho đám đông rằng thư ký nhà vua chuyển lời của Vua Bhumibol kêu gọi bình tĩnh. Ngay lập tức, đám đông trật tự giải tán.

Theo Luật Thừa kế Hoàng gia năm 1924, Hoàng tử Vajralongkorn là người sẽ kế vị Vua Bhuminbol. New York Times cho rằng do điều tiếng liên quan tới lối sống cá nhân nên vị thái tử này rất khó để được người dân tin yêu như với vua cha.

Trong khi đó, nhiều người Thái lại dành sự cảm mến cho công chúa Sirindhorn, vì sự nghiệp từ thiện và những hành động thiết thực dành cho người nghèo. Theo Hiến pháp Nhân dân năm 1997, công chúa là nhân vật thứ hai trong thứ bậc thừa kế ngai vàng, nhưng chỉ lên ngôi trong trường hợp nhà vua không có người thừa kế.